Nhà đầu tư đi xem đất trở lại. Ảnh: Việt Dũng

Nhà đầu tư đi xem đất trở lại. Ảnh: Việt Dũng

Doanh nghiệp địa ốc vừa làm vừa ngóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dù đã bắt tay vào việc bán hàng, nhưng nhiều chủ đầu tư dự án vẫn trong trạng thái thấp thỏm chờ đợi…

Thị trường bất động sản quý I/2023 trôi qua trong sự ngột ngạt khi các thành viên đều loay hoay trong vòng quay chờ đợi: Doanh nghiệp chờ thủ tục pháp lý, dự án chờ dòng tiền để triển khai, người mua chờ giá bất động sản giảm sâu hơn, còn người bán chờ thị trường hồi phục…

Bước sang quý II/2023, thị trường đang cho thấy tín hiệu tích cực hơn nhờ động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ. Song, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn trong tình trạng thấp thỏm chờ đợi.

Bà Thùy Minh, phụ trách pháp chế cho một doanh nghiệp bất động sản tại Cần Thơ chia sẻ, dự án của công ty bà đã được giao đất từ 8 năm trước, đã san lấp mặt bằng đạt 100% diện tích dự án, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gần như hoàn thiện và đã xây dựng xong sản phẩm nhà ở trong khu dự án…, nhưng hiện vẫn chưa thể đưa sản phẩm ra giao dịch trên thị trường.

“Chúng tôi rất tha thiết được nộp thuế sử dụng đất để tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đủ cơ sở pháp lý bán sản phẩm ra thị trường, song đến nay vẫn chưa thực hiện được do Thành phố chưa phê duyệt giá tiền nộp thuế sử dụng đất và tiền thuê đất”, bà Minh nói.

Hay tại “siêu đô thị” TP.HCM, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và dự án bất động sản lớn, nhưng thủ tục pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở.

Lãnh đạo một tập đoàn lớn, có nhiều dự án tại TP.HCM và các địa phương lân cận cho hay, doanh nghiệp ông có nhiều dự án chưa tính được tiền sử dụng đất, trong đó có một số dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên chưa làm được thủ tục cấp sổ cho cư dân.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn, chủ đầu tư dự án Lotus Residence tại quận 7 cũng cho biết, nhiều lần nộp hồ sơ và chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ tài chính, bởi do vướng mắc này mà người mua đất tại đây không thể xây dựng được. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm khiến khách hàng rất bức xúc, thậm chí còn tố chủ đầu tư bội tín, lừa đảo.

“Hiện tại, vướng mắc đang được các cơ quan chức năng tập trung xử lý, nhưng trình tự thủ tục đều phải làm lại từ đầu và từng bước một nên chưa biết khi nào mới hoàn thành”, vị đại diện trên nói.

Không chỉ nhà ở thương mại, mà chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho hay, Công ty đang đầu tư một dự án tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), diện tích 23.100,8 m2, quy mô 1.456 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng chưa thống nhất các nội dung điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 nên dự án chưa thể triển khai.

Ông Thành cũng chia sẻ thêm, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn về vốn và vấn đề này được đề cập nhiều thời gian qua, cũng như bắt đầu có hướng tháo gỡ, nhưng thực tế tiếp cận để vay được rất khó khăn.

“Lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%/năm, gần đây giảm xuống 12%/năm nhưng vẫn quá cao, không phù hợp với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Group, thị trường bất động sản đang rất cần được tháo gỡ nút thắt pháp lý để khơi thông thanh khoản. Có như vậy thì nhà đầu tư, khách hàng mới có niềm tin để tiếp tục đầu tư vào tài sản vốn được xem là kênh trú ẩn cho dòng tiền này.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Việt Nam cho rằng, hiện là thời điểm phù hợp cho người có nhu cầu thực về nhà ở và có sẵn nguồn tài chính xuống tiền.

Theo ông Lộc, từ giai đoạn khủng hoảng 2008-2012 cho tới nay, giá đất không ngừng đi lên. Thời điểm hiện tại, thị trường còn có nhiều khó khăn, nhưng bất động sản mới chỉ giảm 10-25%, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng là 30-40%. Chưa kể, bất động sản là nguồn tài nguyên hữu hạn, trong bất cứ giai đoạn hay hoàn cảnh nào, đây vẫn là kênh đầu tư có dòng tiền lớn luôn trực chờ và cơ hội tăng giá luôn được đảm bảo.

Tin bài liên quan