Doanh nghiệp địa ốc và nỗi đau "chạy làng"

Doanh nghiệp địa ốc và nỗi đau "chạy làng"

(ĐTCK) Bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, nhà xây xong, các doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ bị khách hàng "chạy làng".

> Dự án Bắc 32: Khách lần lữa nhận nhà

> Khốn đốn vì nhà đã xong không người nhận

Tại ĐHCĐ năm 2013, CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) đã đưa ra con số khiến cổ đông giật mình khi có hơn 300 tỷ đồng chưa thu được từ khách mua nhà tại Dự án Lideco (huyện Hoài Đức). Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công ty trong năm 2013 là thu hồi được số tiền đến hạn, nhưng khách hàng chưa chịu đóng. Thế nhưng, việc này là không hề đơn giản.

Doanh nghiệp địa ốc và nỗi đau "chạy làng" ảnh 1

Dự án Lê Trọng Tấn đã xong phần biệt thự, liền kề và trông khá đẹp, nhưng vẫn có rất ít khách hàng đến nhận nhà

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT NTL cho biết, thời gian qua, Công ty đã nhiều lần gửi thông báo nhận bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng dù gửi đến lần thứ 6, thứ 7, khách hàng vẫn không chịu đến nộp tiền và nhận bàn giao nhà.

Đến nay, gần 600 căn biệt thự liền kề đã đủ điều kiện bàn giao từ 2 năm trước, nhưng mới chỉ có khoảng 200 căn được khách hàng tiếp nhận. Để khuyến khích khách hàng nhận bàn giao nhà, NTL đã chấp nhận cho khách nợ tiền đợt cuối, nếu có đơn xin chậm trả.

“Cái đau nhất của doanh nghiệp địa ốc là làm xong nhà, đã có người đăng ký mua nhưng lại  không đến ở. Vì thế, hiện chúng tôi đang phải tạo nhiều điều kiện cho khách nhận bàn giao nhà và chuyển đến sinh sống. Tuy nhiên, trong lúc thị trường khó khăn, doanh nghiệp cũng muốn được khách hàng cùng chia sẻ, chứ không chỉ tìm cách gây khó dễ cho chủ đầu tư”, ông Kha nói.

Cũng giống NTL, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), chủ đầu tư Dự án Đô thị mới Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cũng đang bị tồn đọng đến hơn 200 tỷ đồng chưa thu được từ phía khách hàng, chỉ riêng tại Khu A của Dự án.

Ông Vũ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Geleximco cho biết, đến nay, phần lớn nhà biệt thự, liền kề tại Khu A, Dự án Lê Trọng Tấn đã đủ điều kiện bàn giao, song chủ đầu tư mới chỉ giao cho khách được khoảng 30%. Trong khi đó, việc thu tiền theo tiến độ cũng rất khó khăn. Nhiều khách hàng đến nay thậm chí mới chỉ đóng hết tiền đất, rồi quên luôn trách nhiệm, trong khi Dự án đã làm xong nhà.

Theo ông Hậu, việc thị trường khó khăn kéo dài khiến các nhà đầu tư, cũng như người có nhu cầu thực chịu nhiều thua thiệt. Vì thế, nhiều doanh nghiệp không muốn dùng giải pháp mạnh thúc ép khách hàng nộp tiền, bởi khi đó, khách sẽ phải bán tháo cắt lỗ sản phẩm, khiến họ càng thua thiệt nhiều hơn.

Ông Hậu cho biết, để giảm áp lực, thời gian qua, Geleximco phải giãn thời gian nộp tiền làm nhiều đợt. Thậm chí, doanh nghiệp chấp nhận thu chỉ vài chục triệu đồng trong mỗi đợt đóng để giảm áp lực tài chính cho khách hàng.

Cách lượm “bạc cắc” của đại gia địa ốc này là một cách chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh thị trường vẫn chưa khởi sắc, nhưng việc thu tiền và bàn giao nhà vẫn gặp khó khăn.

Trên thực tế, không chỉ NTL và Geleximco mới gặp khó khăn trong việc thu tiền theo tiến độ, mà còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng phải kêu trời vì khách hàng không chịu nộp tiền và nhận nhà.

Theo một số chuyên gia, thị trường bất động sản gặp khó khăn, gánh nặng tài chính dường như đang dồn hết lên vai các doanh nghiệp. Vì vậy, những doanh nghiệp không có tiềm lực, không tiếp tục huy động được tiền từ khách hàng đã phải chấp nhận dừng dự án. Trong khi những doanh nghiệp có tiềm lực, muốn tạo lập uy tín, phải bỏ tiền túi ra thực hiện dự án theo đúng tiến độ lại chịu nhiều thua thiệt.

Để thị trường sớm hồi phục, nhiều chuyên gia cho rằng, sự chia sẻ từ phía khách hàng trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. Nếu không có sự chia sẻ, doanh nghiệp sẽ càng lâm vào khó khăn và sự thua thiệt, rủi ro lớn hơn sẽ đến với tất cả các bên!