Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền, mã chứng khoán KDH) vừa thông qua kế hoạch của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản Saphire là nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Lộc Minh (Lộc Minh), với giá trị 350 tỷ đồng.
Lộc Minh được thành lập ngày 5/5/2022 tại TP. HCM, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh, diện tích 1,9 ha, tại phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức. Sau khi Saphire mua lại Lộc Minh, Nhà Khang Điền sẽ gián tiếp sở hữu dự án này, bởi Saphire là doanh nghiệp do Nhà Khang Điền sở hữu 99,9% vốn.
Trước đó, Nhà Khang Điền ký thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Keppel tại 2 dự án Emeria và Clarita ở TP. Thủ Đức, TP. HCM, bán 49% vốn với tổng giá trị ước tính 187 triệu SGD (hơn 3.400 tỷ đồng). Hai bên dự kiến phát triển dự án trên quỹ đất 11,8 ha, với tổng chi phí khoảng 10.200 tỷ đồng, cung cấp hơn 200 căn nhà liên kế, hơn 600 căn hộ cao tầng.
Như vậy, Nhà Khang Điền vừa là đơn vị bán đi một phần quỹ đất để tìm đối tác cùng phát triển, đồng thời là một nhà phát triển quỹ đất thông qua hoạt động M&A của công ty con. Tính đến 30/9/2023, Công ty có quỹ tiền mặt 2.338,1 tỷ đồng, chiếm 10% tổng tài sản; tổng nợ vay 4.984,4 tỷ đồng, bằng 32,5% vốn chủ sở hữu, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành là 67%.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán HPX) có kế hoạch chi 434,4 tỷ đồng để thâu tóm 99,8% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn (Xanh Kỳ Sơn).
Xanh Kỳ Sơn được thành lập ngày 8/12/2016 tại Hoà Bình, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, người đại diện pháp luật là ông Phan Văn Điền. Công ty này và Tập đoàn Telin đang liên doanh cùng phát triển dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc trên địa bàn tỉnh, quy mô 35 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 234 tỷ đồng, dự kiến cung cấp ra thị trường 350 - 450 căn nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự.
Ông Phan Văn Điền cũng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn, đơn vị bị Cục Thuế tỉnh Hoà Bình công bố nợ thuế hơn 841 tỷ đồng tính đến 30/6/2023.
Về bên đi thâu tóm, tính tới 30/9/2023, Hải Phát Invest có 65,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 0,76% tổng tài sản. Ngược lại, Công ty có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn 2.669,3 tỷ đồng, chiếm 31,1% tổng nguồn vốn.
Đáng lưu ý, ngày 15/12/2023, Hải Phát Invest phải thanh toán 14,27 tỷ đồng tiền lãi cho trái chủ mã trái phiếu HPXH2124009, nhưng Công ty chỉ thanh toán được 7,27 tỷ đồng. Trái phiếu HPXH2124009 được phát hành ngày 25/11/2021, kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 250 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của bên thứ ba. Vốn trái phiếu dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh và triển khai dự án Khu đô thị mới Mai Pha (TP. Lạng Sơn).
Trước đó, ngày 21/10/2023, Hải Phát Invest quyết định huỷ kế hoạch trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế và một số nghĩa vụ nợ khác.
Trong tháng 5 và 6/2023, Hải Phát Invest chậm trả lãi hơn 44 tỷ đồng 3 lô trái phiếu: HPXH2123011 (mệnh giá 450 tỷ đồng), HPX122018 (mệnh giá 300 tỷ đồng), HPXH2125007 (mệnh giá 500 tỷ đồng).
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản trong hệ thống ngân hàng ước khoảng 2,6%, tỷ lệ chậm trả trái phiếu trên quy mô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể lên đến 30%. Trong đó, giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ, nhưng không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản.
“Những khó khăn ngắn hạn của doanh nghiệp bất động sản giảm bớt nhưng chưa hề thoái lui”, VDSC đánh giá trong báo cáo triển vọng ngành bất động sản năm 2024.