Dự án Izumi City của Tập đoàn Nam Long đang lùi kế hoạch mở bán để nghe ngóng thị trường.

Dự án Izumi City của Tập đoàn Nam Long đang lùi kế hoạch mở bán để nghe ngóng thị trường.

Doanh nghiệp địa ốc thận trọng ra hàng

0:00 / 0:00
0:00
Với những dự báo chưa mấy khả quan, phần lớn các doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM vẫn khá thận trọng trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh, mở bán dự án mới hoặc các dự án ở giai đoạn tiếp theo.

Thận trọng

“Năm nay chỉ cần duy trì hoạt động để qua được giai đoạn khó khăn là đã đạt mục tiêu”. Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư về kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp nhân dịp đầu xuân.

Vị này cho biết, năm nay, công ty chủ trương đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu, thu hẹp nhân sự, tái cấu trúc sản phẩm và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Riêng về hoạt động đầu tư, các dự án hiện hữu sẽ giãn tiến độ thi công để tránh áp lực dòng tiền.

“Sức mua của thị trường trong những tháng đầu năm nay chưa thể phục hồi, do đó công ty sẽ hạn chế tối đa việc chi tiêu cũng như dồn lực đầu tư nhằm dự trữ nguồn lực để phòng thủ trong thời gian tới”, vị này giải thích thêm.

Thị trường bất động sản sau Tết được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà đang thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, hiện nguồn cung của thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh một số sản phẩm cao cấp, hạng sang như The Metropole, Zeit River, Park Village, phân khúc trung cấp chỉ lác đác vài dự án mở bán đợt tiếp theo như Mizuki Park, Akari City, MT Eastmark City, còn lại phần lớn dự án chuẩn bị ra mắt từ quý III hoặc quý IV/2022 đều lùi lại thời điểm mở bán sớm nhất vào cuối quý I hoặc đầu quý II/2023.

Đơn cử, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc thông tin, đã dời kế hoạch mở bán dự án căn hộ cao cấp nằm trong Khu đô thị Vạn Phúc sang năm 2023, đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thiện xây dựng các hạng mục tiện ích và dịch vụ còn dang dở, kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ tích cực hơn vào giữa năm 2023 để triển khai kế hoạch kinh doanh.

Tương tự, Tập đoàn Nam Long cũng lùi kế hoạch mở bán các dự án ở Đồng Nai và Cần Thơ. Cụ thể, tại Đồng Nai, giai đoạn II, Khu đô thị Izumi City và Paragon Đại Phước dự kiến mở bán vào cuối quý I/2023 hay có thể sẽ chuyển sang đầu quý II. Sự kiện mở bán dự án khu dân cư tại Cần Thơ cũng được chuyển sang năm 2023 và chưa ấn định thời điểm cụ thể.

Tập đoàn An Gia vốn đã có kế hoạch giới thiệu Dự án The Gio Riverside (TP. Thủ Đức) vào cuối năm 2022, nhưng cũng chọn lùi sang năm 2023 (có thể vào giữa quý II/2023); Đất Xanh cũng dời kế hoạch triển khai một số dự án sang đến giữa năm 2023 như Dự án căn hộ Lux Star (TP.HCM), Opal City View, DXH Park View (tỉnh Bình Dương)…

Cơ cấu lại dự án

Áp lực phải có dòng tiền để vận hành, duy trì tiến độ dự án ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp địa ốc khi thị trường trầm lắng. Tình trạng này thách thức rất nhiều doanh nghiệp, đặt họ vào thế co cụm, cơ cấu lại dự án, lùi thời điểm bán hàng để tiết kiệm chi phí.

Do đó, nhìn chung trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đều khá thận trọng trong triển khai kế hoạch kinh doanh, bởi đây sẽ là năm thị trường phải đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Báo cáo mới nhất của Colliers Việt Nam đưa ra dự báo, thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với sự suy giảm niềm tin, nhất là với các chủ đầu tư kinh doanh thiếu minh bạch và dự án có pháp lý chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng đang trì hoãn việc chào bán sản phẩm nên nguồn cung mới căn hộ năm 2023 sẽ giảm. Riêng tại TP.HCM, số căn hộ được mở bán mới ước tính dưới 20.000 căn và lượng tiêu thụ rơi vào khoảng 20%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cho biết, trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp bất động sản, có không ít doanh nghiệp chọn hướng đi thận trọng trong năm 2023. Đây là giải pháp kỹ thuật để tồn tại, phù hợp với tình hình thực tế, khi quá trình sàng lọc thị trường trở nên bức thiết trong ngắn và trung hạn.

“Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản sẽ trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi nhất cử nhất động của họ đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chẳng hạn, chỉ cần một doanh nghiệp địa ốc lớn hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán xuất hiện dấu hiệu kinh doanh sa sút hay mất thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường”.

Do đó, ông Nghĩa đánh giá, việc “co cụm” của các doanh nghiệp có mặt tích cực là chặn đứng chu kỳ đầu tư kinh doanh bùng nổ một cách dễ dãi, mở ra chu kỳ đầu tư kinh doanh thận trọng, hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho rằng, nếu như năm 2022, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của việc xiết room tín dụng, thì sang năm 2023, khó khăn sẽ tiếp tục nếu nguồn vốn vẫn chưa được khơi thông.

“Trong nửa đầu năm, thị trường sẽ chứng kiến sự trầm lắng do thiếu hụt, khan hiếm nguồn cung cả về sản phẩm đúng nhu cầu và nguồn tín dụng cho khách hàng cũng như nhà đầu tư. Những tháng cuối năm, thị trường sẽ có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn, nhưng sẽ không có nhiều đột phá”, ông Quyền dự báo.

Theo các chuyên gia, vùng ven TP.HCM vẫn là tâm điểm đầu tư nhờ sự phát triển hạ tầng giao thông cũng như xu hướng chuyển dịch ly tâm. Đồng thời, phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ được khách hàng quan tâm khi nhu cầu thực rất cao, mà thời gian qua thị trường hầu như đã mất hút phân khúc này. Đây sẽ là phân khúc được nhiều nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn

Tin bài liên quan