Để hoàn thành thủ thục xây dựng đối với 1 dự án nhà ở phải mất thời gian 2-3 năm, thậm chí lâu hơn. Ảnh: Trọng Tín

Để hoàn thành thủ thục xây dựng đối với 1 dự án nhà ở phải mất thời gian 2-3 năm, thậm chí lâu hơn. Ảnh: Trọng Tín

Doanh nghiệp địa ốc “than trời” vì thủ tục cấp phép xây dựng

(ĐTCK) Sau hơn 4 năm thực thi, Luật Xây dựng 2014 đang bộc lộ một số tồn tại gây khó cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục cấp phép xây dựng.

Tốn tiền tỷ vì thủ tục rườm rà

Tại hội thảo lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được tổ chức tại TP.HCM giữa tháng 9/2019, nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã kiến nghị sửa đổi, cải tiến về thủ tục, trong đó thủ tục cấp phép xây dựng cấp thiết phải “đơn giản hóa”.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, hướng đến cắt giảm hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Nghị quyết này chưa kịp triển khai thì Luật Xây dựng 2014 được ban hành.

“Làm doanh nghiệp rồi mới biết thời gian làm thủ tục là dài vô tận. Không phải lúc nào có đất rồi cũng có thể triển khai dự án được ngay, mà phải đợt 2 - 3 năm sau mới làm được dự án. Hiện nay, công ty tôi chỉ xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất mà mất 3 tháng chưa xong, chưa kể các thủ tục khác, rất lãng phí thời gian”, ông Đực nói và cho biết, thời gian chờ đợi lâu sẽ phát sinh ra nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Tất cả chi phí này đều đánh vào giá thành, rồi cuối cùng người chịu thiệt vẫn là người mua nhà.

Cũng theo ông Đực, Luật Xây dựng hiện nay vẫn còn một nghịch lý là tính thiết kế kỹ thuật trên giá thành xây dựng, điều này gây lãng phí, vì dự án đội giá thành lên cao. Vì vậy, ông Đực cho rằng, về khâu thẩm tra thiết kế xây dựng, chỉ cần thẩm tra thiết kế cơ sở là đủ, còn hình dáng công trình, biện pháp xây dựng, thiết kế kỹ thuật là chuyện của nhà thầu, chủ đầu tư.

“Nên chăng chia ra chủ đầu tư tư nhân thì miễn khâu thẩm tra thiết kế kỹ thuật, còn chủ đầu tư quốc doanh thì cần thẩm tra kỹ khâu này, vì sử dụng vốn ngân sách”, ông Đực nêu kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Khải, đại diện Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam cho rằng, đối với những dự án được quy hoạch 1/500 và được chấp thuận chủ trương đầu tư, thì quy trình cấp phép xây dựng nên tối giản để tạo điều kiện thuận lợi.

Doanh nghiệp này cũng kiến nghị, nên gộp lại quy trình cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Sơn, đại diện Công ty Đầu tư và Phát triển Sơn Kim kiến nghị các uỷ ban liên quan của Quốc hội cần có sự thẩm định dự án luật mang tầm nhìn xa, tránh tình trạng các bộ trình dự án luật có tính chất cục bộ, dẫn tới khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, “đụng luật này vướng luật nọ”.

Cần tối giản thủ tục cấp phép xây dựng

Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, qua hơn 4 năm đi vào thực tiễn, Luật Xây dựng đã bộc lộ những khiếm khuyết, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần xây dựng mới, nên cần nghiên cứu bổ sung, một trong số đó là quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Kiến nghị bỏ quy định bắt buộc dùng vật liệu không nung

Theo đại diện Công ty Him Lam, về vật liệu xây dựng công trình, hiện nay, Bộ Xây dựng yêu cầu đối với các công trình cao tầng nên sử dụng vật liệu không nung. Thế nhưng, quy định này gây khó khăn với các doanh nghiệp, vì vật liệu không nung có nhiều nhược điểm dẫn đến khâu bảo hành, khâu kỹ thuật của dự án không đảm bảo.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, Bộ Xây dựng không nên bắt buộc doanh nghiệp xây dựng công trình cao tầng phải sử dụng vật liệu gạch không nung. Dù biết sử dụng vật liệu không nung là bảo vệ môi trường, xây dựng các công trình xanh, thế nhưng kích thước gạch không nung to hơn gạch thông thường, nặng hơn, thi công vất vả, mất thời gian hơn.

Theo ông Châu, hiện nay, quy định 100% dự án nhà ở xã hội, dự án có 30% vốn ngân sách phải sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên, Bộ chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu không nung, chứ không nên quy định mang tính bắt buộc.

Theo ông Châu, quy trình cấp phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Thế nhưng, Luật Xây dựng hiện nay lại tách ra làm 3 quy trình. Tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc cao trên 75 m) trên toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật.

“Điều bất hợp lý là sau khi được thẩm định 2 quy trình trên, thì chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng địa phương để xin cấp giấy phép xây dựng. Quy trình thủ tục hành chính này không hợp lý, tốn nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Một điều bất hợp lý nữa, theo ông Châu, thực tế chủ đầu tư dự án nhà ở còn phải trực tiếp thực hiện thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng. Trong khi Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng, Bộ Xây dựng nên tập trung vào việc ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng, xây dựng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch, thiết kế thi công, nghiệm thu công trình… thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

“Tóm lại, Luật Xây dựng chỉ nên là luật chuyên ngành về lĩnh vực xây dựng”, ông Châu nhấn mạnh.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình cho rằng, Bộ Xây dựng cũng nên xem xét tích hợp 3 quy trình là thẩm định thiết kế xây dựng cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng.

Về cơ quan chuyên môn của nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế và kiểm tra nghiệm thu, trong định nghĩa cơ quan chuyên môn ở Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cũng quy định tương tự như luật cũ. Tuy nhiên, đặc thù ở TP.HCM là đã thành lập một số ban quản lý khu đô thị mới, như Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban quản lý Khu đô thị Nam Thành phố và đã phân cấp cho các ban quản lý này thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu. Tuy nhiên, chiếu theo Luật Xây dựng, thì các ban này không có thẩm quyền.

“Sở kiến nghị nên bổ sung các ban quản lý khu đô thị mới là cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thực hiện chức năng thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu”, ông Xuyên nêu ý kiến.

TS. Bùi Trung Dung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Dự thảo có lồng ghép lãng phí thời gian vào cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, cần làm rõ mâu thuẫn, giấy phép xây dựng cần lồng nội dung về quản lý trật tự xây dựng như quy hoạch, kiến trúc.

Đặc biệt, năng lực người thực thi pháp luật xây dựng hiện nay khá yếu kém, nhưng Dự thảo lại chưa tiếp thu nội dung này. Nên chăng cần quy định công chức thực thi phải đủ năng lực và phù hợp cấp công trình quy định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan