DIC Corp đang khởi động lại kế hoạch tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2025

DIC Corp đang khởi động lại kế hoạch tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2025

Doanh nghiệp địa ốc ráo riết gọi vốn trên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nhu cầu vốn lớn để triển khai các dự án cũng như tiếp tục cơ cấu lại tình hình tài chính đang thúc đẩy các doanh nghiệp địa ốc gọi vốn trên thị trường chứng khoán.

Hàng loạt kế hoạch phát hành cổ phiếu

Sau khi dừng kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm huy động 3.000 tỷ đồng trong tháng 2 vừa qua, với lý do “nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi”, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (mã DIG) lại dự kiến trình đại hội cổ đông thường niên 2025 (tổ chức vào giữa tháng 4 này) phương án phát hành gần 186,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, 36,6 triệu cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức và 150 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu để gọi vốn mới. Kế hoạch này sẽ được triển khai trong năm 2025.

Ban lãnh đạo DIC Corp cho hay, trước nhu cầu cấp thiết bổ sung nguồn lực để phát triển đồng loạt các dự án tồn đọng và thị trường chứng khoán ghi nhận sự khởi sắc hơn trong thời gian gần đây, Công ty đã quyết định tái khởi động kế hoạch huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu.

Trước DIC Corp, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Saigonres (mã SGR) đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, nhằm thu về 800 tỷ đồng theo phương án đã được đại hội cổ đông thường niên 2024 thông qua. Lượng cổ phiếu này dự kiến sẽ được ông Phạm Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonres mua để nâng sở hữu từ hơn 17,96 triệu cổ phiếu (29,94% vốn điều lệ) lên hơn 37,96 triệu cổ phiếu (47,45% vốn điều lệ). Theo lãnh đạo Saigonres, với số vốn huy động được, Công ty sẽ có thêm nguồn lực để thanh toán các khoản nợ vay (300 tỷ đồng) và tài trợ cho dự án Khu đô thị Sinh Thái Việt Xanh (500 tỷ đồng).

Trung tuần tháng 3 vừa qua, cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) đã thông qua phương án chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 26% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua thêm 26 cổ phiếu) tại kỳ họp thường niên 2025, với tỷ lệ biểu quyết khá cao. Với giá chào bán dự kiến là 25.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn khoảng gần 30% so với thị giá hiện tại), Nam Long dự kiến thu về 2.500 tỷ đồng về đợt phát hành. Số tiền này sẽ được Nam Long đầu tư vào các công ty con và để thanh toán các khoản vay và nghĩa vụ tài chính khác.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chương Dương (mã CDC) đã có thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua gần 22 triệu cổ phiếu là 31/3/2025. Giá chào mua là 11.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Số vốn 242 tỷ đồng dự kiến huy động được từ đợt chào bán sẽ được dùng để trả nợ vay cho các cá nhân để góp vốn vào Công ty cổ phần Chương Dương Homeland (công ty con của Chương Dương); mua lại trái phiếu đến hạn/trước hạn và cơ cấu lại khoản nợ vay ngân hàng ngắn hạn…

Bối cảnh thị trường thuận lợi hơn

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bối cảnh hiện tại tương đối thuận lợi để các doanh nghiệp gọi vốn trên thị trường chứng khoán và năm nay sẽ là thời điểm các doanh nghiệp tích cực thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Về mặt cơ chế, ông Minh cho hay, trong hai năm qua, các hoạt động phát hành tăng vốn, đặc biệt là từ nhóm doanh nghiệp bất động sản bị cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang có chủ trương bổ sung hàng hóa cho thị trường chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, miễn là đảm bảo tính minh bạch trong mục đích sử dụng vốn. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp muốn phát hành tăng vốn hoặc niêm yết trong năm nay.

“Riêng ngành bất động sản, làn sóng huy động vốn của các doanh nghiệp dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ kể từ quý III/2025, khi bức tranh thị trường địa ốc trở nên sáng hơn”, ông Minh khẳng định.

TS. Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho hay, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 là khá tích cực nhờ nhiều động lực: chính sách tiền tệ được nới lỏng, đầu tư công được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai gần, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên… Việc nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng cao cũng tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư và là yếu tố thúc đẩy dòng tiền vào thị trường chứng khoán, trong đó có nhóm cổ phiếu bất động sản.

Trong các báo cáo gần đây của nhiều công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản nằm trong danh mục được khuyến nghị đầu tư nhiều nhất. Luận điểm của giới phân tích là việc ba sắc luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2024 và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho nhiều dự án, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa ốc triển khai dự án dang dở và mở bán mới, giúp thị trường sôi động hơn, thu hút dòng tiền nhiều hơn, đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp. Theo đó, nhóm cổ phiếu địa ốc cũng thu hút sự quan tâm nhiều hơn của giới đầu tư.

Theo Công ty Chứng khoán DSC, sau khoảng thời gian thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi, các nhà phát triển bất động sản đã rục rịch mở bán cũng như bàn giao các sản phẩm trở lại kể từ quý IV/2024, có thể kể đến như Nam Long (phân khu thấp tầng của Waterpoint và Central Lake), Khang Điền (Emeria, Clarita), Đất Xanh (DXH Riverside), DIC Corp (Centre Point), Hoàng Huy (New City)…

“Trên thị trường chứng khoán, đa phần các cổ phiếu bất động sản đã có khoảng thời gian dài điều chỉnh và chưa có một sóng tăng mạnh nào. Vì thế, thời gian tới, không loại trừ khả năng nhóm này sẽ trở lại”, chuyên gia phân tích DSC nhấn mạnh.

Bối cảnh thị trường địa ốc tích cực hơn đang thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản triển khai các kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, nhằm tái cơ cấu tình hình tài chính và bổ sung nguồn vốn để thực hiện dự án, nhất là trong bối cảnh huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Chưa kể, việc tăng vốn qua phát hành trái phiếu có ưu điểm nổi bật so với các kênh gọi vốn khác (trái phiếu; vay ngân hàng; huy động từ khách hàng, đối tác…).

Việc một số doanh nghiệp địa ốc phát hành thành công, đơn cử như Đất Xanh Group (vừa chào bán hơn 150,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu) có thể tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các doanh nghiệp khác cân nhắc việc chào bán cổ phần ra công chúng nhằm tận dụng cơ hội từ dòng vốn đang dịch chuyển.

Tin bài liên quan