Các dự án vùng ven thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Các dự án vùng ven thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Doanh nghiệp địa ốc đua nhau bung hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian trầm lắng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang dần sôi động trở lại khi các doanh nghiệp rủ nhau bung hàng nhằm đón sóng từ các dự án hạ tầng.

Tấp nập ra hàng

Từ những ngày đầu tháng 4/2021, Thắng Lợi Group chào bán sản phẩm Dự án West Market Lạc Tấn (nằm trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Sản phẩm chủ yếu của dự án là shophouse, được thiết kế gồm một trệt, ba lầu. Dự án tọa lạc ngay giao lộ 2 tuyến đường lớn nhất Tân Trụ là DT833 và DT835, chỉ cách thành phố Tân An 10 phút, cách TP.HCM 30 phút chạy xe, kết nối trực tiếp với cao tốc Trung Lương và Quốc lộ 1A.

Trước đó, doanh nghiệp này giới thiệu ra thị trường dự án The Sol City, tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An. Dự án có tổng quy mô lên đến 103 ha, với 975 sản phẩm. Trong giai đoạn 1, Thắng Lợi Group đã cho ra mắt khoảng 400 sản phẩm gồm nền nhà phố, nền shophouse, shophouse và nhà phố… Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm đạt tới 99%.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho biết, dự kiến trong quý II này, Công ty sẽ tiếp tục tung ra thị trường khoảng 500 sản phẩm thuộc tương tự đợt ra mắt đầu tiên.

Hiện dự án chưa chính thức ra mắt giai đoạn 2, nhưng theo ông Quyền, “chúng tôi đã nhận được sự quan tâm cao từ các khách hàng đã biết đến dự án trước đó và sẽ có những chính sách chiết khấu, ưu đãi với những khách hàng đặt giữ chỗ sớm”.

Trần Anh Group cũng ra đợt hàng mới tại tất cả các dự án như La Villa Green City; West Lakes Golf & Villas; Phúc An Garden. Theo thông tin từ Công ty, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm của các dự án này rất tốt vì sản phẩm thuộc phân khúc được quan tâm lớn trên thị trường. Khách hàng chủ yếu vẫn là những người đến từ TP.HCM.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận được đầu tư mạnh mẽ

Nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận được đầu tư mạnh mẽ

Thời gian qua, Cát Tường Group cũng thành công với việc mở bán dự án Cát Tường Western Pearl 2 (nằm ở trung tâm TP. Vị Thanh, Hậu Giang) khi luôn đạt tỷ lệ hấp thụ trên 85% trong các đợt mở bán.

Mới đây, Cát Tường Group đã giới thiệu dự án khu nhà ở thông minh đầu tiên tại TP. Tân An - dự án Taka Garden Riverside Homes, với nhiều chính sách hấp dẫn. Khách hàng chỉ cần nộp từ 750 triệu đồng (tương đương 30% giá trị sản phẩm), được chiết khấu 10% và được ngân hàng hỗ trợ trả góp 0% lãi suất với thời gian thanh toán linh hoạt.

Tương tự, Tập đoàn Vạn Phúc cũng công bố kế hoạch triển khai các giai đoạn tiếp theo cho dự án Khu đô thị Vạn Phúc City. Theo đó, ngân sách và các hạng mục đầu tư trong năm 2021 cho dự án này dự kiến sẽ tăng đột phá lên mức 3.500 tỷ đồng với 12 hạng mục công trình trọng điểm.

Ngoài các dự án kể trên, nguồn tin từ một số doanh nghiệp khác cho biết, khá nhiều dự án lớn đang lên kế hoạch triển khai. Chẳng hạn, Tập đoàn Hưng Thịnh lên kế hoạch đưa ra thị trường dự án đại đô thị tại Quy Nhơn có quy mô lên đến hơn 1.000 ha; hay Tập đoàn Danh Khôi sẽ khởi động các dự án cao tầng tại Nhơn Hội, Bình Định… vào quý II/2021.

“Đón sóng” hạ tầng

Các dự án được công bố ra thị trường thời gian gần đây chủ yếu tập trung ở khu vực các tỉnh lân cận TP.HCM. Điều này, một mặt có nguyên nhân khách quan từ sự tắc nghẽn thủ tục tại TP.HCM, phần vì những nơi đây đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng.

Cụ thể, ngay những tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) có chiều dài 22,97 km, với tổng số tiền đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án hạ tầng tại 13 tỉnh miền Tây vào khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, nguồn vốn địa phương là 162.000 tỷ đồng, từ Trung ương là 82.000 tỷ đồng và nguồn vốn nước ngoài là 22.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế... để triển khai các công trình dự án vào khoảng 121.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn ngân sách dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 vào khu vực này đạt khoảng 388.000 tỷ đồng.

Riêng tại Long An, trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến sẽ có 6 dự án giao thông được đầu tư, với tổng số vốn hơn 21.500 tỷ đồng để kết nối với TP.HCM như dự án mở mới đường phía Tây Bắc, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn, dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (huyện Bình Chánh), dự án Quốc lộ 50 đi qua huyện Bình Chánh, dự án cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) và cuối cùng là đường song song Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Các dự án này khi hoàn thành sẽ giúp thông thương từ TP.HCM qua Long An về các tỉnh miền Tây. Các công trình cũng tạo điều kiện cho hàng hóa từ các khu công nghiệp Long An tiếp cận tuyến Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, các cụm cảng, công nghiệp... ở TP HCM.

Hay tại khu vực Bình Thuận, sân bay Phan Thiết chính thức khởi công trong tháng 4/2021 và hoàn thành cuối năm 2022. Đây là cảng hàng không cấp 4E, có hoạt động bay quốc tế, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Đặc biệt, sân bay Phan Thiết dự kiến đưa vào hoạt động cùng thời gian với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe. Với tiềm năng du lịch sẵn có cùng hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, Bình Thuận đang trở thành địa phương thu hút nhiều sự quan tâm của các chủ đầu tư.

Đưa ra dự báo về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới, hầu hết các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào bất động sản các vùng phụ cận, nơi có hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, các dự án được phát triển bài bản, đáp ứng nhu cầu sử dụng thật.

Tin bài liên quan