Kiểm tra thực địa dự án là điều nên làm.

Kiểm tra thực địa dự án là điều nên làm.

Doanh nghiệp địa ốc đau đầu vì “loạn” sàn môi giới

(ĐTCK) Sự bùng nổ của các sàn môi giới khiến áp lực cạnh tranh ngày càng cao và để tồn tại, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại làm liều, ảnh hưởng tiêu cực tới cả người mua và chủ đầu tư.

Sàn môi giới “làm loạn”

Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vừa nhận được phản ánh của chị Cao Thị Thúy Phượng (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) về việc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Đông Duy, do ông Nguyễn Thành Duy làm Giám đốc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi nhận đặt cọc giữ chỗ tại một dự án lớn thuộc khu vực quận 9, TP.HCM.

Cụ thể, chị Phượng cho biết, sau khi nghe được thông tin dự án nói trên sẽ chính thức mở bán giai đoạn 1 vào tháng 1/2019 từ mạng xã hội, chị đã liên hệ với ông Duy để tiến hành đặt cọc giữ chỗ 2 căn hộ với giá 100 triệu đồng.

“Thấy Duy quảng cáo là đại lý phân phối F1 của chủ đầu tư, tin tưởng vào uy tín của nhà phát triển dự án này nên tôi đã không kiểm tra kỹ thông tin mà hẹn Duy đến nhà để tiến hành đặt cọc”, chị Phượng nói.

Chị Phượng cho biết thêm, khi ký hợp đồng đặt cọc, vị giám đốc này nói chắc như đinh đóng cột là vào tháng 12/2018 chủ đầu tư sẽ chính thức mở bán, nhưng cứ chờ mãi đến tháng 2/2019 vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

“Nóng lòng, tôi liền gọi cho Duy để xin lấy lại tiền đặt cọc nhưng người này cứ hẹn lui hẹn tới, đến bây giờ thì khóa máy và chặn luôn số điện thoại của tôi”, chị Phượng bức xúc.

Lần theo những thông tin mà chị Phượng cung cấp, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã tìm đến địa chỉ số 10 đường số 8, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - nơi Công ty Đông Duy đăng ký làm trụ sở. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ trên thì không có bất cứ thông tin hay bảng hiệu nào liên quan đến công ty này.

“Đã mấy tháng nay, tôi nhiều lần tìm đến địa chỉ của Công ty nhưng đó là địa chỉ giả, rồi nhắn tin gọi điện nhưng cũng không thấy Duy hồi âm. Mấy tháng nay tôi cứ mất ăn mất ngủ, bởi 100 triệu không phải là số tiền nhỏ”, chị Phượng lo lắng.

Thực tế, không chỉ Công ty Đông Duy nhận là đơn vị môi giới, phân phối đại dự án nói trên, trên địa bàn TP.HCM còn xuất hiện nhiều sàn khác cũng quảng cáo là đơn vị môi giới, phân phối cho dự án hot này như: Oxy Land, Nam Tiến Phát Land, Mỹ Hưng Land, Thế Giới Nhà Đất, VietinReal, Toàn Hưng Phát, Smart Land, Đông Tây Land, Thiên Minh Group...

 Trước khi xuống tiền đặt cọc giữ chỗ, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin dự án, đơn vị môi giới

Ghé vào một công ty môi giới trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, TP.HCM, anh Thành, nhân viên của công ty này cho biết, Công ty là một trong những đại lý phân phối lớn của chủ đầu tư dự án này. Mặc dù chưa có thông tin chính thức ngày mở bán, nhưng hiện dự án đã được xây đến tầng thứ 7, có thể sẽ mở bán vào đầu quý III năm nay.

“Trong lần mở bán đợt 1 này, dự án có khoảng 10.000 căn, nhưng bên em đã được ưu tiên tới 3.000 căn, mỗi căn hộ khách chỉ cần đặt cọc 30 triệu, hiện toàn bộ số căn hộ bên em phân phối đã được khách đặt giữ chỗ gần hết”, anh Thành khẳng định.

Không thể khẳng định tất cả các sàn cho biết đang môi giới bán hàng cho dự án trên hoạt động bát nháo, nhưng rõ ràng, đang có những "con sâu làm rầu nồi canh". Do đó, trước khi xuống tiền, khách hàng cần tìm hiểu kỹ càng, đặc biệt nên theo dõi những thông tin chính thống phát ra từ chủ đầu tư.

Mới đây, Tập đoàn Hà Đô cũng phải phát đi thông báo gửi đến Sở Xây dựng TP.HCM và khách hàng của mình, vì có nhiều sàn môi giới tự ý chạy quảng cáo, nhận tiền giữ chỗ tại Dự án Hà Đô Green Lane (2735 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP.HCM), khi dự án vẫn chưa được chủ đầu tư mở bán.

Chủ đầu tư “đau đầu”

Trên thực tế, nhiều tập đoàn địa ốc lớn chỉ muốn tập trung vào thực hiện dự án để đảm bảo chất lượng công trình, nên thường giao sản phẩm về các đại lý và sàn F1 có uy tín để phân phối. Chính vì vậy, nhiều khách hàng nếu không tìm hiểu thông tin cụ thể doanh nghiệp nào là đơn vị phân phối chính thức dự án, mà cả tin vào những lời đường mật của môi giới, có thể sẽ lâm vào cảnh trắng tay.

Có thể thấy, việc nở rộ công ty môi giới bất động sản đang tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn. Gánh nặng chi phí thuê mặt bằng, nhân viên…, khiến nhiều công ty môi giới không ngại dùng chiêu trò, thậm chí bất chấp các quy định của pháp luật để hoạt động. Và thiệt hại không chỉ là khách hàng, mà chủ đầu tư dự án cũng bị vạ lây, làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hà Đô cho biết, thời gian gần đây, có nhiều khách hàng gọi điện đến để phản ánh một số công ty môi giới đã tự ý đăng quảng cáo, thu nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng tại Dự án Hà Đô Green Lane.

“Hiện Tập đoàn Hà Đô chưa có kế hoạch bán hàng tại Dự án Hà Đô Green Lane, nhưng nhiều công ty môi giới tự ý quảng cáo là đơn vị môi giới độc quyền, phân phối chính thức của Hà Đô rồi đứng ra nhận tiền đặt cọc của khách hàng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chúng tôi”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, không chỉ Tập đoàn Hà Đô bị các sàn môi giới lợi dụng uy tín để làm ăn phi pháp, mà nhiều dự án của các tập đoàn lớn cũng đang trong tình cảnh tương tự.

“Đối với những dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý còn đỡ, còn những dự án chưa đủ pháp lý, nhưng những công ty môi giới này vẫn đứng ra nhận tiền đặt cọc, theo đó rủi ro sẽ đẩy về phía khách hàng, rồi các cơ quan chức năng lại nghĩ chủ đầu tư đang bán chui dự án”, ông Tuấn bức xúc.

Luật sư Vũ Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, đối với trường hợp của chị Cao Thị Thúy Phượng, thì khả năng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là rất cao. Bởi thỏa thuận đặt cọc tiền giữ chỗ mua bất động sản là trái pháp luật căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 19, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo khách hàng, Công ty Đông Duy đã cố tình không trả lại tiền dù đã vi phạm cam kết và khách hàng đã nhiều lần đề nghị. Do đó, công ty môi giới này đã có hành vi chiếm dụng vốn trái phép của khách hàng để trục lợi.

“Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã cấm việc kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và huy động, chiếm dụng vốn trái phép. Theo đó, chủ đầu tư, sàn môi giới muốn ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở thì phải có hồ sơ pháp lý đầy đủ về dự án, phải triển khai dự án trên thực tế và phải có biên bản nghiệm thu của cơ quan chức năng. Như vậy, việc ký hợp đồng huy động vốn mà chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng xin chấp thuận cho phép huy động vốn theo quy định là trái pháp luật”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, các công ty môi giới mặc dù biết pháp luật cấm ký thỏa thuận giữ chỗ với khách hàng, nhưng vẫn bất chấp thực hiện vì những lợi ích rất lớn mang lại từ thỏa thuận giữ chỗ. Do vậy, khi nhận đặt cọc giữ chỗ, môi giới thường có một số điều khoản bẫy khách hàng.

Cụ thể, trong hợp đồng đặt tiền giữ chỗ, môi giới hoàn toàn không cam kết thời hạn mở bán của chủ đầu tư; không cam kết và ấn định giá bán bất động sản; không ghi cụ thể vị trí sản phẩm; bắt khách hàng phải bảo mật thông tin về hợp đồng, và đặc biệt không cho phép người mua được lấy lại tiền đặt chỗ bất cứ thời gian nào.

Chính vì vậy, những khách hàng có nhu cầu mua để ở nên kiên nhẫn chờ đến khi chủ đầu tư công bố và mở bán chính thức, bởi trước sau gì chủ đầu tư cũng phải bán, không nên ký thỏa thuận đặt tiền giữ chỗ. Còn khách hàng nào chấp nhận rủi ro, vẫn muốn ký, thì nên tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý, nhưng rủi ro nếu xảy ra thì rất khó đòi lại tài sản của mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan