Nhiều nhà thầu xây dựng thua lỗ do giá nguyên vật liệu tăng phi mã, đặc biệt là giá thép. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều nhà thầu xây dựng thua lỗ do giá nguyên vật liệu tăng phi mã, đặc biệt là giá thép. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp địa ốc đau đầu vì giá thép xây dựng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá thép xây dựng điều chỉnh tăng 3 lần từ đầu năm 2022 và hiện đã vượt mức 17 triệu đồng/tấn không chỉ khiến doanh nghiệp xây dựng, mà cả đơn vị phân phối lẫn nhà sản xuất đau đầu.

Thép trong nước đã vượt 17 triệu đồng/tấn

Sau khoảng 6 tháng hạ nhiệt, giá thép bắt đầu tăng mạnh trở lại từ giữa tháng 2/2022, khi một loạt nhà sản xuất thép công bố giá bán mới. Đơn cử, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thông báo mỗi tấn thép cuộn CB240 tăng thêm 250.000 - 300.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1/2022, lên mức 17,3-17,4 triệu đồng/tấn tùy thuộc vào phương án thanh toán.

Một số loại thép của Hòa Phát cũng được điều chỉnh tăng thêm 600.000-800.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1/2022, cụ thể là thép loại D10 có giá bán phổ biến ở mức 17,15 triệu đồng/tấn, thép cuộn D12 tăng lên 16,75 triệu đồng/tấn. Tương tự, Thép Việt Đức hay Thép Vinausteel đã điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2/2022.

Tính từ đầu năm 2022, đây là lần tăng thứ 3 của giá thép. Hai lần tăng trước, giá thép tăng từ 300.000-1.220.000 đồng/tấn. Cộng cả 3 lần tăng giá, giá thép đang dần tiệm cận mức đỉnh của năm 2008, theo ghi nhận của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

VSA cho biết, việc giá nguyên liệu đầu vào từ quặng sắt, than cốc, đến thép phế liệu… cùng tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) đã khiến giá phôi thép bật tăng.

Cụ thể, giá phôi thép giao dịch tại cảng Đông Nam Á tính đến ngày 10/2/2022 đạt mức 696 USD/tấn CFR Đông Á, tăng khoảng 70 USD/tấn so với đầu tháng 1/2022. Ở thị trường trong nước, giá phôi thép tăng khoảng 400-600 đồng/kg lên 14.800-15.800 đồng/kg tính tới cuối tháng 1/2022.

Cùng thời điểm, giá quặng sắt cũng giao dịch ở mức cao, đạt 149,7-150,2 USD/tấn CFR tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng khoảng 24 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 1/2022, còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn CFR Đông Á, tăng 40-45 USD/tấn.

Cũng theo VSA, giá than mỡ luyện cốc tăng góp phần đẩy tăng chi phí sản xuất thép. Đơn cử, giá mặt hàng này xuất khẩu tại cảng Australia ngày 10/2/2022 giao dịch ở mức 391,75 USD/tấn FOB, tăng 55,75 USD so với đầu tháng 1/2022.

Bên cạnh đó, việc bùng phát xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina đã khiến giá dầu thô tăng vọt, đây vốn là nguyên liệu chính phục vụ luyện than cốc, từ đó gián tiếp tác động tới giá thép.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng cho biết, việc điều chỉnh giá bán liên tục được cập nhật trong 2 tháng qua để các nhà thầu xây dựng kịp thời nắm bắt và có sự điều chỉnh, tránh rơi vào tình trạng thua lỗ.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho hay, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết, cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.

Hiện tại, giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao, đó là chưa nói đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực rất lớn cho nhà thầu.

Đơn cử, tại dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, sau bão giá thép đầu năm ngoái, việc giá xăng dầu, nhựa đường, sắt thép... liên tục leo thang từ đầu năm 2022 tới nay đã đẩy nhiều nhà thầu thi công vào tình cảnh thua lỗ. Lãnh đạo một nhà thầu thi công tại 2 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây ước tính, chi phí xây dựng đội giá thêm 20-30% so với đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết.

“Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang gặp khó, càng thi công càng lỗ”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Giá thép xây dựng trong nước đã vượt 17 triệu đồng/tấn. Ảnh: Dũng Minh

Giá thép xây dựng trong nước đã vượt 17 triệu đồng/tấn. Ảnh: Dũng Minh

Nỗi lo “bão giá” kéo dài

Báo cáo cập nhật về triển vọng thị trường thép của Hiệp hội Thép Thế giới công bố cách đây không lâu cho thấy, trong năm 2022, nhu cầu thép toàn cầu dự báo chỉ tăng khoảng 2,2% so với năm 2021, tương ứng khoảng 1.896,4 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu thép của Trung Quốc - nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, sẽ giảm khoảng 1%, trong khi tăng trưởng nhu cầu thép của các quốc gia phát triển và phần còn lại của thế giới giảm hơn một nửa, xuống còn lần lượt 4,3% và 5% trong năm nay.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa Đông. Các dự báo cho thấy, ít nhất 30% sản lượng thép thô được yêu cầu cắt giảm tại Trung Quốc từ ngày 1/1/2022 đến 15/3/trước khi phục hồi trở lại từ quý II/2022 và điều này sẽ tác động mạnh lên thị trường thép thế giới trong giai đoạn này.

Đại diện một đơn vị phân phối thép chiếm 10% thị phần tại Việt Nam cho biết, không chỉ nhà thầu xây dựng, việc giá thép tăng cao cũng gây khó khăn cho cả nhà phân phối. Theo vị này, doanh thu tăng chủ yếu do giá bán tăng, nhưng ở thời điểm hiện tại lợi nhuận không tăng tương ứng do phải gánh thêm nhiều chi phí.

“Các đơn vị phân phối như chúng tôi gặp không ít khó khăn khi phải bảo đảm tiến độ cung cấp hàng cho đối tác trong điều kiện nguồn cung khan hiếm. Để giữ chân khách hàng, chúng tôi buộc phải có nhiều giải pháp hỗ trợ và tích cực tìm nguồn cung mới để bù đắp, từ đó dẫn tới chi phí tăng, ảnh hưởng tới lợi nhuận”, vị đại diện này nói.

Tương tự, doanh nghiệp sản xuất sử dụng thép làm nguyên vật liệu đầu vào cũng gặp khó khi giá mặt hàng này tăng phi mã. Không ít doanh nghiệp nhóm ngành cơ khí kết cấu thép đang chịu lỗ vì các đơn hàng ký trước đó là lúc giá thép chưa tăng. Cũng do giá tăng liên tục nên doanh nghiệp e dè trong việc ký đơn hàng vì không có lời, còn nếu muốn tăng giá thì phải đàm phán lại hợp đồng với đối tác, một điều không hề dễ dàng.

Trong cuộc trao đổi gần đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, do chi phí nguyên vật liệu chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình, nên việc yếu tố này tăng giá mạnh những tháng đầu năm đã khiến chi phí xây dựng bị đội lên cao, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình. Để hạn chế vấn đề này, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng…

Tin bài liên quan