Đánh thức
Vài năm về trước, nhắc đến những Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), hay xa hơn nữa là Phú Quốc (Kiên Giang), gợi nhớ trong tâm trí nhiều người là các khu du lịch theo kiểu chợ huyện, cũ kỹ, xộc xệch. Và cơ bản, không có gì đặc sắc ngoài việc đến tắm biển rồi về.
Chia sẻ với phóng viên về những ngày đầu “đốt đuốc tìm đường” làm dự án, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sun Group hồi tưởng lại: “Tôi còn nhớ rất rõ năm 2013, khi chúng tôi đặt chân đến khảo sát triển khai các dự án tại Nam đảo (Phú Quốc), cả khu vực chỉ lác đác một vài khách sạn, resort đạt chuẩn 4 - 5 sao. Con đường từ sân bay về thị trấn An Thới lúc đó chưa có điện chiếu sáng ban đêm. Bãi Khem vô cùng đẹp, cụm đảo An Thới với những hòn Rỏi, hòn Dừa, đặc biệt là hòn Thơm… đẹp thậm chí sánh ngang Maldives, Bali, nhưng không có một khu nghỉ dưỡng cao cấp nào xứng tầm với vẻ đẹp đó.
Dịch vụ vui chơi giải trí cũng chưa có gì nhiều ngoài tắm biển, câu mực, lặn biển hoặc đi tàu ra ngắm các đảo ngoài khơi. Du khách đến khu vực Nam đảo thường chỉ chọn đi về trong ngày, đối tượng khách đa phần là khách bình dân, bởi muốn thu hút khách hạng sang cũng khó khi dịch vụ lưu trú, vui chơi cao cấp chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của dòng khách này”.
Nhưng nay, Phú Quốc đã khác xưa. Nơi này được biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng mới với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp, không chỉ hấp dẫn khách nội địa, mà còn trở thành điểm đến yêu thích của khách quốc tế, thậm chí cả của giới siêu giàu. Công lao đó không thể phủ nhận những doanh nghiệp tiên phong như: Sun Group, Vingroup, CEO Group, MIK Group... Những doanh nghiệp này với công lao kiến tạo đã mang đến những bình minh mới, rực rỡ hơn cho Phú Quốc.
FLC Sầm Sơn đã làm thay đổi bộ mặt nghỉ dưỡng địa phương.
Câu chuyện của Sầm Sơn, Quy Nhơn cũng không khác là mấy. Trước đây, tiềm năng biển của hai địa phương này mới chỉ dừng ở chỗ nghỉ mát mùa hè, tắm biển và ăn hải sản, thì nay, với sự xuất hiện của FLC Group, với các dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ, cả Sầm Sơn, Quy Nhơn như bừng sáng. Bộ mặt cơ sở lưu trú, chất lượng dịch vụ du lịch địa phương được thay đổi đáng kể, quan trọng hơn, nó tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa cho cả khu vực, đưa các địa phương này vào danh sách điểm đến đáng quan tâm trong bản đồ du lịch nước nhà.
Trong một dịp trao đổi với người viết về hiệu ứng dự án nghỉ dưỡng của FLC Group, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trước đây, mỗi năm Quy Nhơn chỉ có trên 1 triệu khách, từ khi có dự án của FLC, số lượng khách du lịch không ngừng tăng lên.
“Doanh thu từ du lịch trước đây chỉ đạt vài trăm tỷ đồng/năm, nhưng hiện giờ là hàng ngàn tỷ đồng/năm. FLC cũng góp phần tạo việc làm cho trên 2.000 lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trên đường băng
Nhìn nhận về xu hướng dòng tiền đầu tư tìm đến những thị trường mới, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, xu hướng ly tâm sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tốt khiến các tỉnh đều muốn mời chào các con Phượng Hoàng đến để phát triển kinh tế, giúp tăng thu ngân sách. Xu hướng bất động sản năm nay được dự báo sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác, thị trường Thủ đô và TP.HCM không còn là địa điểm được quan tâm nhiều nhất. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển sang vùng ven.
“Bên cạnh đó, ngoài các thị trường tương đối quen thuộc như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, tôi nhận thấy còn nhiều địa phương khác đang dần tạo dấu ấn, như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu hay nhiều địa phương khác”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến với Hưng Yên để đầu tư các dự án hạ tầng, bất động sản và khu công nghiệp. Trong đó, phải nhắc đến những tên tuổi lớn như Vingroup, Sun Group, FLC Group, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn T&T, Tổng công ty Viglacera, Công ty Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long…
“Việc nhiều 'tay to' tìm đến đã tạo nên những đổi thay đáng kể cho bộ mặt đô thị Hưng Yên. Từ thành công của những dự án như Ecopark, đến nay, Hưng Yên đang tiếp tục có thêm những dự án đô thị mới. Chúng tôi hy vọng rằng, những nhà đầu tư lớn, những dự án quy mô sẽ mang đến nhiều đổi thay cho bộ mặt đô thị ở địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa cho những làn sóng đầu tư mới trong tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Điểm chung mà nhiều chuyên gia đều đồng ý, đó là các địa chỉ đầu tư cũ đã bắt đầu nhàm chán, họ tìm đến những nơi có tiềm năng nhưng thị trường chưa phát triển để thực hiện các dự án mới. Tại nhiều địa phương, các chính sách ưu đãi cũng đang tạo lực hấp dẫn nhất định, cùng với giá đất còn rẻ nên đang trở thành nơi hút dòng tiền.
Nhìn nhận về xu hướng đầu tư đất nền vùng ven, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho biết, các thị trường truyền thống như Hà Nội, về cơ bản cung - cầu có sự ổn định. Nhưng khu vực xa hơn hay khu vực vùng ven thì chỉ cần khi có đầu tư về hạ tầng, thị trường phát triển sẽ tác động mạnh lên khả năng tăng giá của các dự án. Các nhà đầu tư trông chờ khu vực ngoại ô có sự tiệm cận với mức giá khu vực trung tâm nên xu hướng đầu tư ly tâm là hoàn toàn dễ hiểu.
Việc các địa phương đi trước đã thu trái ngọt từ sự cởi mở trong thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, biến thành những “hóa đơn” cụ thể đang tạo nên sự khích lệ đáng kể với các địa phương còn lại. Đặc biệt, với các khu vực giàu tiềm năng nhưng chưa được đánh thức, vai trò của các nhà đầu tư tiên phong, những thương hiệu lớn càng quan trọng, khi các dự án không chỉ tạo nên những đổi thay về mặt hạ tầng, giải quyết việc làm và đóng thuế, hơn hết, các dự án kiểu này sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng thu hút đầu tư cho địa phương, cho cả một vùng đất.
Có lẽ, đó cũng là hướng đi mà nhiều địa phương đang hướng tới. Có thể ví von một cách hình ảnh rằng, tại nhiều thị trường mới, “sân bay, bãi đỗ đã sẵn sàng, trên đường băng, nhiều chuyến bay đang chuẩn bị cất cánh”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com