Tại TP.HCM, sau khi lãnh đạo UBND Thành phố tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp có dự án bị vướng mắc trên địa bàn, đã có 13 dự án bất động sản được gỡ vướng và cho phép bán 50% lượng căn hộ trong các dự án, có thể kể tới là dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 của Gotec Land; Chung cư Cửu Long, quận 4 của CapitaLand; khu nhà ở Thiên Lý, TP. Thủ Đức của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý; Chung cư Cô Giang và The Grand Manhattan quận 1, của Novaland...
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng được tháo gỡ pháp lý cho 6 dự án gồm Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), Moonlight Avenue (TP. Thủ Đức), Moonlight Centre Point (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP. Thủ Đức) và 8X Đầm Sen (quận Tân Phú).
Được biết, các dự án trên đều thuộc diện chờ kết luận của cơ quan quản lý nhà nước sau khi rà soát pháp lý, trong khi chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Theo ông Chu Vĩnh Lăng, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thời gian qua, Thành phố đã triển khai quyết liệt những giải pháp gỡ vướng cho thị trường bất động sản. Mới đây, Sở tiếp tục công khai danh sách 355 dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.HCM, giúp khơi thông điểm nghẽn pháp lý cho 191.101 căn hộ, nhà ở riêng lẻ…
“Có 5 danh mục đã được công bố trên website của Sở để người dân, doanh nghiệp tham khảo. Cùng với đó, Sở còn phối hợp với các cơ quan liên quan khác để tiếp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án trên địa bàn”, ông Lăng nói.
Hay tại Đồng Nai, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa thông báo kết quả giải quyết vướng mắc của 7 dự án bất động sản lớn ở địa phương này. Theo đó, một số dự án được Tổ công tác trực tiếp tháo gỡ, một số khác được đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung bất động sản tại TP.HCM và các địa phương lân cận hạn chế, các kênh huy động vốn đều khó khăn, việc dự án triển khai trở lại sau khi được gỡ vướng giúp các chủ đầu tư vững tin hơn với kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Đơn cử, Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC) đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần hợp nhất 200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng trong năm 2023. Trong khi báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa công bố cho thấy, Công ty không phát sinh doanh thu, trong khi cùng kỳ năm ngoái thu về hơn 51 tỷ đồng.
Ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Danh Khôi cho biết, Công ty xác định 2023 là năm kiện toàn lại bộ máy để chuẩn bị cho kế hoạch trung - dài hạn. Theo đó, Công ty đang xin đấu thầu dự án tại những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Huế hay Bình Thuận. Ông Nhất tin tưởng rằng, thị trường đang có sự chuyển mình và Danh Khôi sẽ gặt hái được thành công trong những quý cuối năm.
“Danh Khôi hiện có 10 dự án, nhưng năm 2023 sẽ chỉ tập trung vào 4 dự án trọng điểm đã hoàn thiện pháp lý gồm Astral City (Bình Dương), Welltone Luxury Residence (Nha Trang), The Royal Boutique Hotel & Condo Đà Nẵng và Nhơn Hội New City (Bình Định) với gần 8.000 sản phẩm”, ông Nhất chia sẻ thêm.
Còn ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) cho hay, đã 8 năm Hoàng Quân không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra và năm 2023, theo ông Tuấn, mục tiêu đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng cũng “chưa chắc đạt được”.
Thế nhưng, ông vẫn tin vào khả năng đột phá trong năm nay, bởi các dự án của Hoàng Quân hiện đã có quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ và có thể mở bán. Chưa kể, các dự án này đều thuộc diện được vay từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng và quy định về nhà ở xã hội có sự thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho Công ty.
“Lâu lắm rồi các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội mới có cơ hội tốt như thế này”, ông Tuấn hồ hởi nói.