Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh kế hoạch bán hàng trong quý IV/2021. Ảnh: Lê Toàn
Tín hiệu tích cực
Theo Thông tư 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, khoản khách hàng trả trước cho doanh nghiệp, hoặc đặt cọc để mua sản phẩm theo tiến độ chỉ được ghi nhận vào doanh thu khi dự án hoàn thành bàn giao. Do vậy, trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao, khoản này sẽ được ghi nhận ở mục “người mua trả tiền trước ngắn hạn”. Đây thường được coi là “của để dành” đảm bảo nguồn thu ngắn hạn của các doanh nghiệp bất động sản.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2021 vừa được công bố, Công ty cổ phần Vinhomes được xem là “quán quân” trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản có khoản mục “người mua trả tiền trước ngắn hạn” lớn nhất, đạt 15.806 tỷ đồng. Mặc dù số tiền này đã giảm 41% so với đầu năm (khoảng 26.968 tỷ đồng), nhưng đây là kết quả ấn tượng trong thời gian thị trường bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Vinhomes cho biết, dù trong quý III, Chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt để kiểm soát dịch Covid-19, đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh nhờ chuyển đổi mạnh từ nền tảng offline (bán hàng trực tiếp) sang nền tảng online (bán hàng trực tuyến).
Xếp kế Vinhomes về giá trị khoản người mua trả tiền trước là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tính đến hết quý III/2021, khoản mục này của Vinaconex ghi nhận lên tới 7.721 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với đầu kỳ, tương tự doanh thu chưa thực hiện dài hạn đạt 1.426 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ.
Sở dĩ Vinaconex tăng mạnh khoản “của để dành” là nhờ đẩy nhanh công tác bán hàng tại nhiều dự án như Khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC), Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond (93 - Láng Hạ, Hà Nội), Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài (Quảng Ninh), Khu đô thị mới Thiên Ân (Quảng Nam)...
Ngoài hai “ông lớn” nói trên, hàng loạt tên tuổi khác trong ngành bất động sản cũng ghi nhận khoản mục “người mua nhà trả trước” tăng mạnh. Chẳng hạn, Tập đoàn Novaland ghi nhận khoản mục “của để dành” này gần 7.642 tỷ đồng, tăng 87% so với hồi đầu năm nhờ việc triển khai bán hàng tại các dự án Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet...
Trong nhóm doanh nghiệp có người mua trả tiền trước trên 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest ghi nhận khoản người mua trả trước ngắn hạn lên tới 2.015 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu kỳ - chủ yếu là trả trước của khách hàng mua Dự án The Terra An Hưng (Hà Nội). Trong khi đó, Công ty cổ phần TTC Land ghi nhận người mua trả trước trên 1.100 tỷ đồng từ Dự án Carillon 7 (TP.HCM).
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp ghi nhận “của để dành” tăng cao, thì một số doanh nghiệp giảm mạnh ở khoản mục này. Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm từ 1.737 tỷ đồng xuống còn 433 tỷ đồng.
Giao dịch tiếp tục tăng trở lại
Thực tế trên cho thấy, khả năng bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, không có sự “đóng băng” như nhiều lo ngại. Đặc biệt, từ tháng 10 - thời điểm một số địa phương phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản có dấu hiệu sôi động trở lại, giao dịch trên thị trường bắt đầu tăng.
Đánh giá về lượng giao dịch trên thị trường, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, lúc này, các đơn vị môi giới và chủ đầu tư đã tổ chức hoạt động giới thiệu dự án cho khách hàng cũng như giao dịch qua nền tảng công nghệ. Đến nay, nhiều dự án đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10.
“Chúng tôi nhận thấy, nhiều khách hàng đã đầu tư trở lại. Họ sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như TP.HCM, Bình Dương…”, ông Phạm Lâm nói và phân tích, các chủ đầu tư đang đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí là nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán để thu hút và hỗ trợ khách hàng.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, dù trải qua nhiều lần Covid-19 bùng phát, đặc biệt là đợt bùng phát thứ tư từ mấy tháng qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đơn vị này dự báo, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 không có chuyển biến mang tính đột phá, vì phía Nam vẫn đang phải gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, thì thanh khoản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.
“Trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn”, Báo cáo Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, từ tháng 10, các doanh nghiệp đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân gặp khó khăn trong việc quay lại TP.HCM. “Các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án trong TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác, với tâm thế tăng tốc trong quý IV để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề trong quý III”, bà Hương nói.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản trong tháng 10 đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với tháng 8 và tháng 9 - lần lượt chỉ ở mức 640 tỷ đồng và 685 tỷ đồng. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân tăng, mà thu từ lệ phí trước bạ tháng 10 cũng có những chuyển biến tích cực, đạt 3.322 tỷ đồng, trong khi tháng 9 là 1.930 tỷ đồng và tháng 8 chỉ 984 tỷ đồng.