Khách hàng tìm hiểu dự án Aquacity Đồng Nai, 1 trong 3 dự án trọng điểm của Novaland. Ảnh: Trọng Tín

Khách hàng tìm hiểu dự án Aquacity Đồng Nai, 1 trong 3 dự án trọng điểm của Novaland. Ảnh: Trọng Tín

Doanh nghiệp địa ốc “chịu đau” để thoát hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để giải quyết khủng hoảng thanh khoản hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận “chịu đau” để tái cấu trúc, vì trước mắt rất khó có thể trông chờ vào vốn ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp.

Tập trung tái cơ cấu nguồn lực, dự án bất động sản

“Chúng tôi đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu (Ernst & Young, KPMG, Công ty Luật YKVN) làm việc ngày đêm để giúp Novaland rà soát, cân đối lại dòng tiền nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram…., bên cạnh các dự án bất động sản tại trung tâm TP.HCM”, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland chia sẻ trong bức tâm thư gửi đến cổ đông, khách hàng vào giữa tuần qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Novaland lên tiếng về tình hình hoạt động của công ty trước “bão tin đồn” và những biến động xấu trên thị trường. Song, điều khiến các thành viên trên thị trường chú ý là thông tin Novaland sẽ tái cấu trúc toàn diện với sự trở lại của ông Bùi Thành Nhơn ở cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn.

Đại diện Novaland cho biết, trước sự biến động của kinh tế vĩ mô thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội đồng quản trị và Ban điều hành Novaland đưa ra những giải pháp mạnh mẽ. Hiện tại, Tập đoàn đang tiến hành thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị bằng việc điều chỉnh giảm từ 7 thành viên xuống 5 thành viên và bầu cử lại thành viên Hội đồng quản trị.

Cùng với việc tái cấu trúc doanh nghiệp và tập trung vào danh mục đầu tư các dự án trọng điểm, Novaland cũng tiến hành rà soát lại dòng tiền trong bối cảnh kênh tín dụng và trái phiếu đều “tắc”, mục đích là để tập trung bổ sung các nguồn vốn thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn. Bước đầu tiên, Novaland đã đàm phán thành công với nhà đầu tư và các tổ chức có năng lực tài chính tham gia nhận chuyển nhượng một phần vốn tại doanh nghiệp. Đơn cử, mới đây, Novaland phát hành 270.729 cổ phiếu với giá 85.000 đồng/cổ phiếu để hoán đổi 5 trái phiếu (tương đương trên 23 tỷ đồng tính theo mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu) thuộc sở hữu của Citigroup Global Markets Limited.

Trên thực tế, việc thị trường biến động quá nhanh khiến không chỉ những “ông lớn” như Novaland, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản khác không xoay xở kịp với sự bế tắc của các kênh dẫn vốn quan trọng. Để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc hoạt động và một trong giải pháp được lựa chọn là “hy sinh” dự án không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, tập trung vào những dự án chủ lực.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, công ty đang triển khai 2 dự án chung cư ở Bình Dương, nhưng ngặt nỗi không xoay được vốn để triển khai tiếp.

“Chúng tôi đang tìm nhà đầu tư để bán lại 10-15% cổ phần, hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác có tiềm lực tài chính để cùng triển khai dự án, bởi 1 trong 2 dự án đã xong thủ tục, nếu không triển khai tiếp thì nguồn vốn đổ vào thời gian qua xem như mất trắng”, vị này chia sẻ.

Doanh nghiệp thiếu vốn triển khai dự án phải “cắt máu”, “bán lúa non”, còn doanh nghiệp có dự án đưa ra thị trường cũng phải chấp nhận “hy sinh” một phần lợi nhuận khi hạ giá bán bằng cách tăng chiết khấu lên đến 40-50% giá trị sản phẩm để thu về tiền mặt. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ, chỉ khi đối diện với vấn đề “sống còn” chủ đầu tư mới chấp nhận giảm giá bằng cách tăng khuyến mãi, chiết khấu.

“Giờ doanh nghiệp không có tiền mặt, dự án không có thanh khoản sẽ đối diện với nguy cơ phải dừng hoạt động nên đành phải dùng những giải pháp như năm 2009 là giảm đến 50% giá bán bất động sản”, ông Châu nói và cho rằng, thời điểm này, doanh nghiệp chấp nhận “chịu đau”, dứt khoát “cắt lỗ” để tránh việc càng ôm hàng càng lỗ to, dẫn đến “mất vốn, sập tiệm”.

Cần thêm trợ lực

Nhiều chủ đầu tư đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào những dự án trọng điểm. Ảnh: Trọng Tín

Nhiều chủ đầu tư đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào những dự án trọng điểm. Ảnh: Trọng Tín

Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền đang phải xoay xở đủ kiểu, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm với hy vọng thu về nguồn tiền để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, để có thể bán được, dự án phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu là đủ điều kiện giao dịch. Bởi hiện nay, rất nhiều dự án bị vướng pháp lý, chủ đầu tư gặp khó và rất muốn bán nhưng bên mua không chọn vì sợ rủi ro.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cho biết, sau cuộc gặp mặt của Phó thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp bất động sản TP.HCM hồi giữa tháng 11 vừa qua, tổ công tác của Thủ tướng đã được lập ra và yêu cầu doanh nghiệp có khó khăn cần tháo gỡ điền thông tin theo mẫu báo cáo. Chỉ trong mấy ngày, có hơn 140 doanh nghiệp nộp hồ sơ theo mẫu, thậm chí có doanh nghiệp làm hồ sơ dài cả chục trang giấy.

Báo cáo mới đây của HoREA cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 143 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội bị vướng mắc pháp lý nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần, phải tạm dừng dự án.

Đáng chú ý, kể từ năm 2017, Thành phố có khoảng 64 dự án bất động sản có nguồn gốc đất công thuộc các trường hợp do sắp xếp lại, xử lý tài sản công; do di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên phải dừng triển khai, thi công… khiến các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này gặp rất nhiều khó khăn.

“Trước mắt, HoREA phối hợp cùng Sở Xây dựng Thành phố tổng hợp một số dự án nằm trong nhóm có thể xem xét giải quyết được để trình UBND Thành phố và tổ công tác xem xét, tháo gỡ ngay”, ông Châu nói và kỳ vọng rằng, khi các dự án điểm này được xử lý thì các dự án khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được địa phương giải quyết ngay mà không cần tổ công tác vào cuộc hay xin ý kiến Trung ương, từ đó giúp thị trường nhanh chóng vận hành ổn định.

Ngoài ra, còn có một số dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại từ năm 2015 trở về trước chưa thể hoàn thiện do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là do sự yếu kém của chủ đầu tư dự án, nhất là tại các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại thực hiện theo mô hình chủ đầu tư chính và các chủ đầu tư dự án thành phần.

Trên thực tế, rất ít dự án thành công khi triển khai theo mô hình này, bởi phần lớn chủ đầu tư thành phần đều hạn chế về năng lực tài chính nên không hoàn thành được công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến dự án bị đình trệ kéo dài hàng chục năm như dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái quy mô 154 ha do Công ty Xây dựng - Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư chính; dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc quy mô 82,52 ha do Công ty Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính…

“Chưa nói đến tiền, vấn đề trước mắt doanh nghiệp cần hỗ trợ là xử lý những vướng mắc pháp lý để sớm đưa dự án ra thị trường, giúp nhanh chóng thu hồi tiền mặt để duy trì hoạt động”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nhấn mạnh.

Tin bài liên quan