Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, số lượng doanh nghiệp bất động sản tham gia Vietbuild lần này chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Phúc Khang, Nam Long, DIC, một công ty con của Nhà Hòa Bình… Trong khi đó, theo giới thiệu trên website của Ban tổ chức, có 3 doanh nghiệp bất động sản tài trợ cho triển lãm là Phúc Khang, An Gia và Hoàng Quân.
Một doanh nghiệp bất động sản đã từng có mặt ở tất cả các kỳ Vietbuild trong mấy năm gần đây cho biết, lý do không tham gia lần này là vì vị trí triển lãm tại quận 7 không phù hợp với đối tượng muốn tìm hiểu mua nhà của doanh nghiệp.
“Bất động sản phải tiếp thị đến tận nơi, tận tay. Không mấy ai sang quận 7 để thông qua triển lãm mua nhà, chủ yếu là những người tiện tham quan rồi ghé xem qua. Hơn nữa, gần đây Phúc Khang thường tham gia triển lãm với quy mô lớn, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản khác không muốn tham gia theo kiểu chỉ làm nền cho doanh nghiệp này”, vị này nói.
Ý kiến này xem ra không phải không có lý. Đơn cử, tại Home Expo (hội chợ bất động sản) được tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, Phúc Khang đã thu hút khách tham quan với “gốc rơm, bụi chuối, bờ tre” trong việc giới thiệu Dự án Làng Sen Việt. Còn tại triển lãm lần này, màn trình diễn thời trang áo dài của Phúc Khang với sự góp mặt của các “chân dài” cũng khiến khách tham quan chen lấn đến gian hàng của doanh nghiệp này. Vì thế, gian hàng của các công ty khác rơi vào cảnh “đìu hiu chợ chiều”.
Khi được hỏi về lý do tham gia Vietbuild lần này, ông Trần Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Khang cho biết: “Dự án Làng Sen Việt gần như đã bán xong, nhưng việc tham gia Vietbuild vẫn mang lại cho Phúc Khang những hiệu quả nhất định về thương hiệu”.
Khác với Phúc Khang, 2 doanh nghiệp bất động sản còn lại tham gia VietBuild lần này là Nam Long và một công ty con của Nhà Hòa Bình dường như chỉ tham gia “cho vui”, bởi lực lượng “cắm” tại triển lãm gần như chỉ có môi giới dự án, hoặc nhân viên các sàn.
Ngoài những cái tên kể trên, tại Vietbuild lần này có sự xuất hiện của Dự án The Phoenix (Vũng Tàu), do DIC làm chủ đầu tư. Đây là dự án mà chủ đầu tư muốn giới thiệu với khách hàng TP. HCM. Thế nhưng, với giá bán từ 14,9 triệu đồng/m2 cho căn hộ 47 - 300 m2, thì Phoenix khó lòng lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư bất động sản tại TP. HCM, bởi vị trí của dự án không nằm trong khu nghỉ dưỡng du lịch. Trong khi đó, phân khúc nhà ở thuần túy tại thị trường bất động sản Vũng Tàu rõ ràng là không thể hấp dẫn, có nhiều khả năng sinh lời như TP. HCM và vùng phụ cận.
Trong khi số lượng các doanh nghiệp bất động sản tham gia không nhiều, thì ngay cửa vào của Ban tổ chức lại xuất hiện 2 hàng nam nữ đứng đeo biển “bán đất nền”. Khi được hỏi, các nhân viên này chỉ cho khách 1 góc bàn nhỏ phía ngoài khuôn viên triển lãm, nơi có tư vấn viên đã ngồi chờ sẵn. Chiêu “ké” triển lãm này đỡ tốn chi phí của người tham gia, dù tìm được người quan tâm cũng chỉ như “mò kim đáy bể”.
Một lý do nữa khiến doanh nghiệp địa ốc không còn mấy mặn mà với Vietbuild là do việc bán hàng trực tiếp cũng đang ít nhiều thuận lợi. Mỗi sàn bất động sản đều có trong tay đối tượng khách hàng nhất định. Việc giới thiệu dự án cũng không bức bách như trước đây, trong khi Vietbuild không phải là “sân chơi” dành riêng cho bất động sản.
Đơn cử như các “ông lớn” trong ngành như Vingroup, Novaland, hay Hưng Thịnh đã tự tổ chức những buổi giới thiệu riêng về dự án của mình. Ghi nhận tại các buổi giới thiệu này cho thấy, đối tượng khách hàng quan tâm và đặc cọc khá nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp này không có lý do để tham gia Vietbuild, vừa phân tán khách hàng, lại phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác cùng tham gia triển lãm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com