Chia sẻ với Nikkei, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) Lê Tiến Trường cho biết: “Với tình hình hiện nay, khoảng 30-50% việc làm sẽ biến mất cho tới tháng 5/2020”.
Vinatex đang có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 công nhân làm việc. Việc thiếu các đơn hàng có thể khiến một nửa số công nhân của Tập đoàn mất việc.
Ðại dịch Covid-19 giáng đòn đầu tiên vào lĩnh vực dệt may vào tháng 2/2020, khi các nhà máy sản xuất sợi - nguyên vật liệu đầu vào ngành dệt may - tại Trung Quốc không thể hoạt động.
“Cú đấm” thứ hai xuất hiện khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nhanh và mạnh tại Mỹ và châu Âu (EU), bất chấp hoạt động sản xuất tại Ðại lục dần được khôi phục.
Trong bối cảnh người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới đang chịu các lệnh phong toả, giãn cách xã hội, nhu cầu đối với sản phẩm ngành dệt lập tức xuống dốc, khiến nhiều nhà nhập khẩu hàng hoá hủy bỏ đơn hàng cũ và không đặt đơn hàng mới.
Tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất vẫn được phép mở cửa, nhưng các đơn hàng mới là vô cùng hạn chế. Một số nhà máy phải sản xuất khẩu trang để “vớt vát” phần nào, nhưng không đáng là bao so với những tổn thất do thiếu vắng đơn hàng.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành dệt may và da giày sẽ giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.
Cơ quan này ước tính, Vinatex sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng (42,2 triệu USD) ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 5, cao gần gấp đôi mức lợi nhuận 510 tỷ đồng thu được cả năm 2019.
Hiện tại, dệt may và da giày là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành này chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu.
Xuất khẩu sang Mỹ, EU gặp khó, việc tìm kiếm các thị trường khác không dễ dàng, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng sụt giảm bởi các biện pháp phòng dịch và tâm lý tiết kiệm chi tiêu mặt hàng không thiết yếu.
Chưa kể, sắp tới, khi doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trở lại, sức nóng cạnh tranh sẽ gia tăng. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lối ra.
Kết quả kinh doanh quý I/2020 vừa được một số doanh nghiệp dệt may công bố đã phản ánh tình trạng khó khăn hiện tại.
Chẳng hạn, CTCP Dệt may - Ðầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu quý I/2020 ở mức hơn 764 tỷ đồng, lãi ròng công ty mẹ khoảng hơn 32 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại CTCP Ðầu tư và thương mại (TNG), kết thúc quý I/2020, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 34 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo TNG, do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong tháng 2, nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm nên thời gian giao hàng giãn, dẫn đến các chỉ tiêu xây dựng cho quý I/2020 không đạt kỳ vọng.
Theo báo cáo tài chính của TNG, trong khi doanh thu giảm thì khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh, cùng với đó là hàng tồn kho lên tới 1.124 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng nguồn vốn.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan cùng đà giảm của thị trường chứng khoán khiến hầu hết cổ phiếu doanh nghiệp dệt may trên sàn giảm điểm.
Ðơn cử, trong gần 3 tháng qua, thị giá cổ phiếu TCM đã giảm hơn 29%, MSH giảm 28%, TDT giảm gần 27%, các mã TNG, MPT và FTM giảm từ 16-20%.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc giải được bài toán đơn hàng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả kinh doanh, từ đó tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu.