Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang gặp khó do đầu ra hạn chế

Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang gặp khó do đầu ra hạn chế

Doanh nghiệp dệt may tìm hướng ra

(ĐTCK) Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu ngành trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 5,4% so cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Nhiều dự báo cũng cho thấy, các DN dệt may sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Lượng đơn hàng thiếu hụt nghiêm trọng so với năm 2015 là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém tích cực của các DN dệt may và tạo nên sự phân hóa mạnh đối với chính các DN trong ngành.

Theo VITAS, khả năng hoàn thành chỉ tiêu là khó khả thi, khi yêu cầu xuất khẩu bình quân phải đạt 3,4 tỷ USD/tháng, trong khi những tháng qua chỉ đạt bình quân chưa đầy 2 tỷ USD/tháng. Điều cần lưu ý, theo cơ cấu xuất khẩu ngành hiện nay, khoảng 80% doanh số (tương ứng 11,2 tỷ USD) đến từ các DN FDI, các DN Việt Nam chỉ chiếm 20% (tương ứng 2,8 tỷ USD). Trong đó, 85% là gia công, nhưng giá trị chỉ chiếm khoảng 25% doanh thu. Nói cách khác, kim ngạch thực thu cho DN Việt Nam chỉ hơn 1 tỷ USD, bao gồm 600 triệu USD tiền gia công và 420 triệu USD đến từ các DN Việt Nam theo phương thức FOB hoặc ODM. Gần 1,8 tỷ USD còn lại do các nhà cung ứng hàng gia công trung gian thụ hưởng.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Garmex Sài gòn (GMC) cho rằng, thực tế này sẽ ít thay đổi trong tương lai, kể cả khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Thậm chí, theo ông Hùng, sẽ dẫn đến sự phá sản của nhiều DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Lợi thế sẽ thuộc về các DN FDI hoặc những DN Việt Nam có tiềm lực về tài chính, hoặc xúc tiến xuất khẩu tốt, khép kín chuỗi thiết kế/sản xuất và tiêu thụ/phân phối.

Nhiều lãnh đạo DN dệt may thừa nhận, các DN đang đứng trước sự cạnh tranh về mọi mặt: cạnh tranh về giá do chuỗi sản xuất khép kín, chi phí giảm, giao hàng nhanh; cạnh tranh về thu hút lao động do đơn hàng ổn định, cường độ làm việc và thu nhập ổn định… Trong khi tiềm lực đầu tư thiết bị, công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện tuân thủ trách nhiệm xã hội sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chi phí gia công và phù hợp yêu cầu của khách hàng.

Đó là chưa kể, các DN trong nước còn gặp khó trong đáp ứng yêu cầu xuất xứ, khi ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển qua chậm, kỹ năng phát triển thiết kế sản phẩm phù hợp thời trang theo yêu cầu của ngành may còn yếu. Vì vậy, đầu ra sẽ khó khăn do không thụ hưởng được chế độ ưu đãi vì thiếu xuất xứ. Nếu theo cách cũ, thuế nhập khẩu sẽ cao hơn các DN có đủ điều kiện xuất xứ.

“Giải quyết các vấn đề trên nằm ngoài khả năng của DN may mặc Việt Nam, vì suất đầu tư quá lớn. Đối với các DN vừa và nhỏ, nếu còn gia công thì còn phụ thuộc vào các nhà trung gian, nhưng nếu chuyển đổi thì lại gặp khó do chưa chủ động xúc tiến đầu ra, cùng với đó là kỹ năng phát triển mẫu, nguyên phụ liệu và vốn để làm theo FOB”, đại diện một DN nói.

Khi Việt Nam kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại thì cũng là lúc các cường quốc ngành dệt may như Trung Quốc, Ấn độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Pakistan tích cực điều chỉnh chính sách ưu đãi cho DN ngành dệt may của họ, để ứng phó với sự cạnh tranh từ Việt Nam. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các nước trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia hay Myanma khi có cơ hội thụ hưởng chínhsách ưu đãi từ Mỹ, châu Âu (EU) và sự đầu tư vốn, cũng như kỹ năng quản lý từ các DN nước ngoài, đã nâng cao tỷ lệ xuất khẩu tại các thị trường truyền thống của Việt Nam.

Tóm lại, các DN may mặc Việt Nam hiện nay đang gặp khó do đầu ra hạn chế, trong đó một phần thị trường chưa ổn định, phần khác chưa chủ động phát triển khách hàng, trong khi nguồn cung lại gia tăng từ các nước trong khu vực (giá thấp hơn, chính sách ưu đãi của thị trường nhập khẩu…), cùng với đó là sự cạnh tranh mất cân đối ở nguồn cung trong nước, giữa các DN Việt Nam và DN FDI. 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, nhiều khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào…, bởi họ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ và EU. Trước những khó khăn đó, nhiều DN vừa và nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn.

Ông Lê Quang Hùng cho biết, để trụ vững trên thị trường, tự thân mỗi DN phải tìm hướng đi riêng. Đối với GMC, Công ty đang tập trung chuyển đổi chiến lược sản phẩm nhằm khai thác ưu thế kỹ năng lao động trong nước, phát triển và sản xuất sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật phức tạp… Bên cạnh đó, GMC thành lập chi nhánh tại Mỹ để trực tiếp xúc tiến, phát triển khách hàng, song song với việc chuyển nhượng thương quyền để định hình phương thức kinh doanh mới OBM.

Tin bài liên quan