Các doanh nghiệp dệt may đang phải trải qua những tháng cuối năm đầy khó khăn. Ảnh: Nam Khánh

Các doanh nghiệp dệt may đang phải trải qua những tháng cuối năm đầy khó khăn. Ảnh: Nam Khánh

Doanh nghiệp dệt may điêu đứng vì lợi nhuận giảm

0:00 / 0:00
0:00
Khi Covid-19 được kiểm soát, nhiều người liên tưởng tới một viễn cảnh tươi sáng cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, hiện đã là những tháng cuối của năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn điêu đứng vì lợi nhuận giảm.

Bức tranh duy nhất một gam màu

Trong quý III/2023, một gam màu xám ảm đạm đang bao trùm lên toàn ngành dệt may của Việt Nam. Điều này được phản ánh rõ thông qua các con số đáng quên trong những bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, với Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ, doanh thu thuần trong quý III/2023 rơi vào khoảng 1.270 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty lãi ròng 59 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng có kết quả doanh thu và lợi nhuận mang “sắc đỏ”.

Cụ thể, 919,3 tỷ đồng là toàn bộ doanh thu thuần mà công ty có được trong quý III/2023, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng của doanh nghiệp cũng chỉ vỏn vẹn 54 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.

Một cái tên khác trong ngành dệt may là CTCP Sợi Thế Kỷ cũng đang lao đao không kém. Trong đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt chỉ là 378 tỷ đồng và 17 tỷ đồng, giảm 27% và 67% so với cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, một “ông lớn” ngành dệt may tại miền Trung là CTCP Dệt may Huế còn chứng kiến lãi ròng trong quý III/2023 “bốc hơi” tới 70% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này chỉ ở mức 15,8 tỷ đồng. Trong khi vào cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 52,9 tỷ đồng.

Ngay cả Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), một trong những doanh nghiệp dệt may lớn nhất, cũng khó thoát khỏi tình trạng ảm đạm chung của thị trường.

Tổng kết 9 tháng trong năm 2023, tập đoàn dự kiến doanh thu đạt 71% nhưng lợi nhuận chỉ dừng ở mức 40% kế hoạch đề ra. Qua đó, ước tính doanh thu sẽ khoảng 12.425 tỷ đồng và lãi trước thuế là 244 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp đã phải trình cổ đông phương án giảm mục tiêu doanh thu và chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay.

Tình hình sẽ ra sao trong năm 2024?

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, dự báo sang quý IV/2023, ngành dệt, nhuộm sẽ không có nhiều thay đổi so với 9 tháng qua. Trong khi đó, thị trường trong năm 2024 dự kiến vẫn ngập chìm trong khó khăn.

Các yếu tố vĩ mô như đà suy giảm của kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, sự cạnh tranh về giá từ các đối thủ… sẽ là những chướng ngại cản bước doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm lại thời “hoàng kim”.

Các biến cố trên trường quốc tế đang cản trở đà hồi phục của thị trường. Ảnh: Quang Định

Các biến cố trên trường quốc tế đang cản trở đà hồi phục của thị trường. Ảnh: Quang Định

“Cầu hàng hóa dệt may năm 2024 nhiều khả năng sẽ cải thiện hơn năm 2023. Tuy nhiên, mức độ cải thiện vẫn nhỏ. Tổng cầu năm 2024 dự kiến thấp hơn năm 2022 khoảng 5-7%", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết.

Xét trong 9 tháng vừa qua, Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam thu về hơn 25,09 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc đều chứng kiến đà giảm, chỉ duy nhất Nhật Bản ghi nhận tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Với một góc nhìn tích cực hơn, Công ty Chứng khoán SSI Research cho rằng, số lượng đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ cải thiện dần từ quý IV/2023.

Dẫu vậy, đơn vị này dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022 và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán).

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục bị thu hẹp, mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện. Kết lại, SSI Research cho rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng có một cái nhìn có phần lạc quan hơn về thị trường. Đơn vị này cho rằng, nhu cầu đối với các mặt hàng ngành dệt may sẽ có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ tết.

Ngoài ra, chỉ số giá đầu vào đối với các nhà sản xuất sợi ở Trung Quốc đã tăng lên trong tháng 5 và tháng 6. Điều này cho thấy sức cầu đang phục hồi. VNDIRECT kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ cho thấy các tín hiệu khởi sắc rõ ràng hơn vào quý IV/2023 - quý I/2024.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cho rằng nhu cầu đối với các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng, kể từ quý I/2024. Nguyên nhân xuất phát từ việc công cuộc kiểm soát lạm phát của xứ cờ hoa đang tiến triển tích cực.

Tin bài liên quan