Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ gồm sản xuất nguyên liệu, phụ liệu cho ngành. Đây được xem là hướng đi bền vững cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi bước ra sân chơi hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ

Hiện nay, để hưởng ưu đãi về thuế khi tham gia CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều doanh nghiệp quan tâm đến phát triển các sản phẩm phụ trợ (gồm nguyên liệu, phụ liệu). Có những doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất xơ sợi, vải trong nước để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và tận dụng tối đa lợi thế thuế xuất khẩu từ các FTA.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, Công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất bông cách đây vài năm với quy mô hơn 168 tỷ đồng. Hiện nhà máy đang bước vào giai đoạn 2. Bên cạnh đó, TNG đã chủ động được các nguồn nguyên, phụ liệu như bông, in, thêu, giặt, bao bì. Nguồn vải nhập từ một doanh nghiệp trong nước. Việc chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất là vấn đề then chốt để Công ty tạo thế mạnh trong xuất khẩu.

“Chúng tôi thấy cần thiết trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ nên làm ngay, bởi kinh doanh không thể chờ đợi”, ông Thời nhấn mạnh.

Kết quả kinh doanh của TNG từ đầu năm đến nay rất khả quan. Tính đến hết tháng 4/2019, Công ty đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sản phẩm may mặc vào thị trường Mỹ, EU đem lại nguồn doanh thu chủ lực cho TNG. Bên cạnh đó, thị trường Canada mới được Công ty mở rộng khai thác trong thời gian gần đây cũng đem lại kết quả tích cực, hiện chiếm 11% trong cơ cấu doanh thu của TNG.

Mới đây, Tổng công ty 28 đã hợp tác với đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Sotoh để sản xuất nguyên phụ liệu là vải len. Đây là tập đoàn chiếm 40% thị phần tại thị trường nội địa Nhật Bản về sản phẩm này. Theo hợp đồng, Sotoh sẽ cung cấp các thiết bị hoàn tất vải len cho Tổng công ty 28 và cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ với công suất ban đầu khoảng 5 triệu mét vải/năm.

Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, trong 5 năm tới (2019 - 2025), TCM sẽ xây thêm nhà máy nhuộm, vải và may. Công ty cũng vừa hoàn tất việc mua lại nhà máy tại Trảng Bàng. Dây chuyền sản xuất khép kín từ sợi đến vải là ưu thế của TCM để được hưởng ưu đãi về thuế khi tham gia CPTPP.

Bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT TCM cho biết, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục cải thiện mảng sản xuất sợi, phát triển sản phẩm theo hướng tăng chất lượng nhưng không hạ giá thành sản phẩm. Năm 2019, TCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.952 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 241,8 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái). 

Chủ động trước áp lực cạnh tranh

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra đầu tháng 5/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian dài, doanh nghiệp Việt Nam phải đi nhập khẩu sợi, vải. Ngành dệt may xuất khẩu tăng trưởng nhưng chưa đủ lớn bởi việc đầu tư vào dệt tốn hàng trăm triệu USD, chưa kể rủi ro nếu sản xuất vải mà không bán được. Để đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng.

Trong thời gian tới, bên cạnh CPTPP, nếu EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra thị trường rộng lớn hơn, khi đó, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được sự đầu tư tích cực.

Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng, với CPTPP và các hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh là hiện hữu, nhưng đó không phải thách thức lớn nhất. Trở ngại chính là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, xem cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường. Trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự sang tích cực, chủ động.

Cùng quan điểm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, CPTPP là “xương sống” của ngành dệt may Việt Nam, mở ra những cơ hội rất lớn, nhưng để phát triển toàn diện, ngành cần có nền tảng quy hoạch, hạ tầng tốt.

Đánh giá về tiềm năng của ngành dệt may, Chủ tịch TNG cho biết, dư địa tăng trưởng rất tích cực. Trước đây, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, nhưng năm 2019, toàn ngành kỳ vọng có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD.

Theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025, danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may được ưu tiên phát triển bao gồm: xơ thiên nhiên (bông, đay, gai, tơ tằm); xơ tổng hợp (PE, viscore, sợi dệt kim, sợi dệt thoi, sợi polyester có độ bền cao, sợi spandex, nylon có độ bền cao); vải (vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi); chỉ may; hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải, phụ liệu ngành may (cúc, khóa kéo, băng chun…) 

Tin bài liên quan