Xuất khẩu dệt may đang giảm
Trong tháng 10/2017, dệt may có kim ngạch xuất khẩu 2,23 tỷ USD, giảm 6,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tổng kim ngạch của dệt may từ đầu năm đến nay vẫn có tăng trưởng. Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng dệt may đạt 21,43 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, xuất khẩu dệt may được kỳ vọng có thể mang lại 30,5 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết tháng 10, ngành này mới đạt 70,2% kế hoạch xuất khẩu.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm dệt may Việt Nam, đóng góp gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Trong 10 tháng qua, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; sang EU (28) đạt 3,06 tỷ USD, tăng 5,7%; sang Nhật Bản đạt 2,52 tỷ USD, tăng 6%; sang Hàn Quốc đạt 2,34 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt may đứng thứ hai trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với một khó khăn chung là giá sản phẩm xuất khẩu ngày càng giảm, trong khi chi phí nhân công gia tăng nên biên lợi nhuận của ngành thấp. Chẳng hạn, với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), báo cáo tài chính quý III cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn trong kỳ đạt 299 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt gần 946 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ đạt lần lượt 1,6 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng.
Mơ hồ cơ hội từ CPTPP
Ngành dệt may trong nước từng được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU. Nhưng kỳ vọng đó đã tan biến khi TPP chưa được thông qua và Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này, đây vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam.
Trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017, 11 nền kinh tế đã công bố kết quả đàm phán TPP-11 sau khi Mỹ rút lui và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Câu hỏi đặt ra, doanh nghiệp dệt may có còn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất đối với hiệp định mới này hay không?
Để tìm câu trả lời, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, mọi điều còn quá mới, các doanh nghiệp đang tìm hiểu sự khác biệt của hiệp định lần này so với trước.
Từ phía doanh nghiệp trong ngành, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Cơ hội nhiều luôn đi kèm với những đòi hỏi rất khắc nghiệt, chúng tôi nhận thấy ở Hiệp định CPTPP lần này các ký kết còn chưa rõ ràng, mọi điều khoản còn rất chung chung. Doanh nghiệp không thể xây dựng kế hoạch năm 2018 dựa vào những điều chung chung như thế, mà chúng tôi nhìn vào thực tế đang diễn ra”.
Theo lãnh đạo của Vinatex, doanh nghiệp dệt may Việt Nam từng kỳ vọng quá nhiều vào TPP, nhưng mọi diễn biến không như kỳ vọng, nên giờ đây “không mơ mộng xa xôi”.
“Ở CPTPP, mọi thứ còn quá sớm, doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể gì đối với hiệp định này. Các quyền lợi được hưởng tại CPTPP chỉ bằng 1/6 của TPP, hơn nữa các đối tác Nhật Bản, Canada chúng ta đã có rồi, nên xét về thị trường không mở rộng đáng kể”, đại diện Vinatex nói.
Trong khi cơ hội từ CPTPP chưa rõ ràng thì doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện với nỗi lo giá xuất khẩu giảm. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, giá các sản phẩm dệt may xuất khẩu giảm tới 12%, trong khi chi phí tiền lương có đà tăng, chi phí sản xuất lớn kéo theo lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.
“Đà giảm của giá xuất khẩu sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2018. Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải siết chặt chi phí nhân công, có thể giảm lao động, tăng thuê gia công ngoài”, một vị lãnh đạo doanh nghiệp dệt may cho hay.