Từng bước hồi sinh các dự án lớn
Thông tin từ PVN cho biết, 7 tháng đầu năm, Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, có chỉ tiêu vượt trên 13% kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản xuất đạm đạt 850.400 tấn, vượt 10% kế hoạch 7 tháng; sản xuất điện đạt 13,24 tỷ kWh, vượt 2,3% kế hoạch.
Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn 7 tháng ước đạt 432.700 tỷ đồng, vượt 11,8% kế hoạch 7 tháng và bằng 70,7% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.600 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch 7 tháng và bằng 68,1% kế hoạch năm.
Các dự án đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị thành viên được kiểm soát chặt chẽ. Tập đoàn thường xuyên báo cáo cấp trên tiến độ, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ Tập đoàn thực hiện.
Ðáng chú ý, việc khắc phục các dự án trong danh sách các dự án thua lỗ của ngành công nghiệp đã có những bước tiến triển tích cực. Ðơn cử, sản phẩm của Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ thuộc CTCP Hóa dầu và xơ sợi tổng hợp Dầu khí (PVTex) đã được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Thời điểm này, dây chuyền kéo sợi DTY đã được đưa vào vận hành. Nhà máy đã xây dựng kế hoạch sản xuất 5 năm 2020 - 2024 và đặt mục tiêu vận hành lại toàn bộ Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ vào đầu năm 2020 để đáp ứng cung cấp một phần nhu cầu xơ sợi tổng hợp cho các doanh nghiệp trong nước.
Ðể có được những chuyển động như trên, PVN và công ty thành viên PVTex đã quyết liệt trong xử lý những tồn tại, khó khăn, phối hợp với các đối tác trước khi vận hành nhà máy trở lại.
Việc đưa Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ vận hành toàn bộ để có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của thị trường vào thời điểm ngành dệt may Việt Nam đang cần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa được nhận định là “thiên thời, địa lợi”. Theo các cam kết trong Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có nguồn xơ sợi ổn định và chất lượng trong nước mới được hưởng lợi về thuế.
Ðối với PVN, khôi phục lại sản xuất của Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm, đời sống ổn định cho hàng ngàn cán bộ, nhân viên ngành dầu khí.
Một dự án khác cũng được PVN quyết liệt tập trung nguồn lực xử lý là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tính đến ngày 23/7/2019, tiến độ tổng thể dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đạt khoảng 84,19%. Trong đó, thiết kế đạt 99,63%; ký các hợp đồng mua sắm đạt khoảng 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 82,14%; chạy thử đạt 3,52%.
Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện các hạng mục gia công chế tạo và lắp đặt KCT hệ thống vận chuyển than, kéo cáp hệ thống nước làm mát, các gói thầu phục vụ công tác chạy thử như thông rửa đường ống bằng dầu, xử lý nước thải sau xúc rửa, cung cấp dầu mỡ, hóa chất, thông thổi đường hơi chính và đi tắt cao, hạ áp và các công trình phục vụ môi trường (giám sát phát thải liên tục, hồ kiểm chứng nước thải).
Theo Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến, nhà máy sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 6 năm sau và tổ máy số 2 vào tháng 10 năm sau. Tuy nhiên, để hoàn thành theo tiến độ này, dự án đang gặp phải một loạt khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của PVN và đã được PVN báo cáo, đề xuất lên các cấp để sớm có quyết định xử lý.
Mong muốn lớn nhất của PVN lúc này là có giải pháp để tìm kiếm nguồn vay tiếp (khoảng 7.100 tỷ đồng) nhằm tiếp tục triển khai các hạng mục đầu tư cho nhà máy.
Trong bối cảnh cả nước đang có nguy cơ thiếu điện trầm trọng, việc đưa nhà máy vào hoạt động đúng kế hoạch có ý nghĩa rất lớn không chỉ với PVN, mà cả nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giải quyết phần nào nguy cơ thiếu điện của đất nước trong năm 2021. Ðể dự án đình trệ sẽ gây lãng phí và thất thoát nguồn lực đầu tư của PVN nói riêng và Nhà nước nói chung.
Chủ động ứng phó với giá dầu thấp
Dưới tác động của các yếu tố địa chính trị và kinh tế thế giới, giá dầu từ đầu năm tới nay biến động khá thất thường. Dầu WTI đã có thời điểm tăng vượt 60 USD/thùng, trước khi điều chỉnh giảm về ngưỡng 57 USD/thùng vào trung tuần tháng 7/2019.
Nguyên nhân là do sản lượng dầu của Mỹ tăng nhanh và sẽ sớm vượt nhu cầu dầu thế giới hiện khá ảm đạm, dẫn đến dự trữ dầu toàn cầu gia tăng. Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong nửa đầu năm 2019, cung vượt cầu khoảng 0,9 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu đối với dầu OPEC vào đầu năm 2020 có thể giảm về 28 triệu thùng/ngày. Với sản lượng dầu của OPEC hiện tại là 30 triệu thùng dầu/ngày, IEA dự báo, dự trữ dầu toàn cầu có thể tăng 136 triệu thùng tính đến cuối quý I/2020.
Hiện tại, giá dầu đang vận động theo xu hướng hồi phục và dao động quanh mức 50 - 60 USD/thùng. Nếu giá dầu vượt lên trên 65 USD/thùng, sẽ là mức giá đạt kỳ vọng tốt đối với các doanh nghiệp ngành dầu khí. PVN cho biết, Tập đoàn đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh các dự án dầu khí trọng điểm và nếu giá dầu hồi phục sẽ là cơ hội mở rộng nguồn việc cũng như doanh thu cho các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn.
Kết quả bán niên của những đơn vị chủ lực của PVN cho thấy, các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua biến động giá dầu thấp, để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Tại Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), 6 tháng đầu năm 2019, GAS đạt tổng doanh thu hợp nhất 38.370,7 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ năm 2018) và 60% kế hoạch năm.
Trong đó, Công ty mẹ đạt 35.041,8 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ năm 2018) và 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.468 tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch 6 tháng (94% so với cùng kỳ 2018) và 72% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty mẹ đạt 5.480 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ 2018) và 73% kế hoạch năm.
GAS đang tập trung duy trì công suất tại các dự án chính như bể khí Cửu Long, mỏ khí Thái Bình, dự án Nam Côn Sơn và thúc đẩy tiến độ mỏ Sao Vàng - Ðại Nguyệt bị chậm trước đó.
Một doanh nghiệp nữa trong ngành duy trì được kết quả khá tích cực là Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). Trong 6 tháng đầu năm, PVS ước đạt doanh thu hợp nhất 8.500 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 65,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 521 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 93% kế hoạch năm.
Các mảng hoạt động chính của PVS như dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng, dịch vụ cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác tàu chứa FSO/FPSO tiếp tục được duy trì ổn định.
Trong lĩnh vực sản xuất điện, Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) cũng công bố báo cáo khả quan. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu PV Power đạt 18.317 tỷ đồng, tăng 2,8% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ giảm được chi phí giá vốn và chi phí các loại, Tổng công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 112% so với chỉ tiêu được giao cả năm (800 tỷ đồng). Công ty cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy điện mới đã được phê duyệt đầu tư.
Một số lĩnh vực của PVN như sản xuất xăng dầu, đạm gặp khó khăn như sản xuất đạm chịu ảnh hưởng lớn từ mùa vụ hạn hán và biến đổi khí hậu tác động đến doanh số tiêu thụ.
Tuy nhiên, đây đều là các doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, sản phẩm chất lượng nên công suất các nhà máy vẫn đảm bảo, duy trì được biên lợi nhuận phù hợp. Những diễn biến chưa thuận lợi của giá dầu cũng là áp lực để các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của nhà máy.
Với nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ, ngành dầu khí được nhận xét tiếp tục có những bước phát triển ổn định duy trì sản xuất - kinh doanh hiệu quả trong những tháng cuối năm. Sự chủ động, linh hoạt ứng phó với các kịch bản giá dầu và bối cảnh kinh tế trong ngoài nước tiếp tục là kim chỉ nam để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho năm 2019.