Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí (PTSC, mã chứng khoán PVS) cho biết, năm 2019, doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng, bằng 123,8% kế hoạch và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 900 tỷ đồng, bằng 128,6% kế hoạch.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Đức Thủy, phụ trách công bố thông tin PTSC chia sẻ, là doanh nghiệp kinh doanh mảng dịch vụ nên kết quả kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc trúng thầu các hợp đồng là điều kiện tiên quyết.
Tổng công ty đề ra kế hoạch lợi nhuận năm 2020 khoảng 700 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện năm 2019, nhưng sự thận trọng này là cần thiết trong bối cảnh thị trường dịch vụ dầu khí có nhiều biến động.
PTSC xác định, tiếp tục tập trung, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh và phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời thực hiện phương án tái cơ cấu tổng thể, phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm phát triển bền vững.
Những khó khăn mà PTSC đã tính đến là dự án trong nước khan hiếm, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp, cạnh tranh trên thị trường khốc liệt.
Trong khi đó, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn, do khối lượng công việc dịch vụ ít, sự bảo hộ doanh nghiệp trong nước của các nước sở tại ngày càng gia tăng.
Đối với Tổng công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), năm 2020 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 41,4% so với thực hiện năm 2019 (lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng).
Ông Bùi Minh Tiến, ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BSR cho biết, thị trường dầu mỏ thế giới tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty. Giá dầu thô và sản phẩm biến động bất thường trong năm 2019, có một số thời điểm ghi nhận giảm với biên độ lớn.
Kế hoạch năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao BSR gần 30 nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là đảm bảo vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đồng thời rút ngắn thời gian bảo dưỡng tổng thể lần 4 để tăng hiệu suất hoạt động của nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, BSR sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Lường trước những khó khăn từ năm 2019 như không còn hưởng cơ chế giá khí đảm bảo lợi nhuận/vốn đạt 12% mà bắt đầu chịu giá khí thị trường, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đã thông qua kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu hợp nhất 7.956 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 57 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 52 tỷ đồng (giảm 83% so với ước tính đạt được năm 2019).
Riêng công ty mẹ, mục tiêu tổng doanh thu là 7.823 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 50 tỷ đồng, chỉ tiêu này của DCM được xây dựng dựa trên giá dầu tạm tính là 60 USD/thùng.
Trong năm 2020, DCM dự kiến chi 183,6 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản, trang thiết bị.
Các con số kế hoạch trên khiến không ít cổ đông lo lắng, dẫn đến giá cổ phiếu DCM suy giảm, vì kế hoạch năm 2020 thấp hơn nhiều so với ước thực hiện năm 2019.
Cụ thể, năm 2019, DCM sản xuất duy trì ở mức 110% công suất và là năm đầu tiên đạt 864.000 tấn; doanh thu ước đạt 7.054 tỷ đồng, lợi nhuận 339 tỷ đồng; hơn 1 triệu tấn sản phẩm được tiêu thụ, cán mốc 6 triệu tấn sau 8 năm vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau.
DCM cho hay, từ năm 2019, Công ty không còn được hưởng cơ chế giá khí đảm bảo lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 12% như các năm trước, mà bắt đầu chịu giá khí thị trường (0,46HSFO+Tariff).
Điều này làm tăng chi phí mua khí, giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh và giảm khả năng cạnh tranh với các đơn vị sản xuất phân đạm khác trong nước và khu vực.
Chưa kể, sự ảnh hưởng của thời tiết bất lợi và giá nông sản xuống thấp làm nhu cầu sụt giảm, thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt hơn.
Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt hơn 2.536 tỷ đồng và gần 9 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 1% và 10% so với kế hoạch năm 2019.
PCE cũng đề ra kế hoạch tổng sản lượng năm 2020 đạt 330.500 tấn, trong đó 220.000 tấn là Đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ và phân bón tự doanh khác lần lượt chiếm 60.500 tấn và 50.000 tấn.
Trong khi nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh 2020 sớm, dù mục tiêu doanh thu, lợi nhuận thấp hơn năm 2019, thì với một số doanh nghiệp ngành dầu khí khác, việc đưa ra một con số cụ thể cho kế hoạch kinh doanh trở nên khó khăn.
2 năm trở lại đây, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận khi lập kế hoạch.
Bởi theo lãnh đạo PVD, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố không thể lường trước, chẳng hạn việc thu hồi nợ.
Doanh thu của Tổng công ty giảm là do hoạt động thương mại chưa phát sinh một số hợp đồng lớn. Trên thị trường khoan dầu khí có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng giá cho thuê giàn luôn có độ trễ nhất định, nên chưa thể ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh.
Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) từng “chênh vênh” trong việc lập định kế hoạch kinh doanh năm 2019 khi bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. PVX cho biết, 2019 tiếp tục là một năm đầy thách thức trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty khi tập trung dồn sức cho những dự án khó của ngành dầu khí, đồng thời tìm kiếm các dự án mới ngoài ngành.
9 tháng đầu năm 2019, PVX đạt 1.623 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018.
Việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn như trong cùng kỳ khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 21 tỷ đồng.
Theo đại diện PVX, để xử lý những vấn đề tồn đọng, Tổng công ty cần có thêm thời gian, bởi việc giảm các khoản lỗ tồn đọng, sớm triển khai, khắc phục các dự án dở dang không thể thực hiện ngay trong một vài năm, mà cần cả một quá trình, nên 2020 dự kiến tiếp tục là một năm có nhiều thách thức.
Trong góc nhìn chung về bức tranh doanh nghiệp năm 2020, Công ty Chứng khoán VietinBank dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay đạt khoảng 15%.
Tuy nhiên, loại trừ nhóm ngành ngân hàng thì tỷ lệ này giảm còn 7% và tiếp tục loại nhóm Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận có lẽ chỉ khoảng 3%.
Công ty chứng khoán này nhìn nhận, một số trong những nhóm ngành có khả năng giữ được động lực tăng trưởng lợi nhuận là ngân hàng, với các đầu tàu như VCB, BID, CTG, MBB…, có thể đạt mức tăng trưởng 18 - 20%.