Bối cảnh nhiều thách thức
Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí như Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)… đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị đang nắm giữ tỷ lệ vốn khá lớn ở PVD, PVT…, trong 6 tháng đầu năm ước đạt 365.500 tỷ đồng doanh thu, vượt 18% kế hoạch 6 tháng và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm.
PVN vừa được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức BB+.
Theo PVN, đây là tín hiệu tích cực giúp Tập đoàn nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, đa dạng hóa nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư trong bối cảnh hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.
Mức tín nhiệm BB+ khẳng định tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của PVN cũng như triển vọng kinh doanh tích cực trong tương lai.
Ðây là cơ sở đảm bảo về năng lực tài chính và kinh doanh của PVN, đem lại sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đối tác chiến lược, đặc biệt trong giai đoạn Tập đoàn đang đẩy mạnh công tác tái cấu trúc.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm các nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, tổ chức tư vấn xếp hạng duy nhất cho PVN chia sẻ: “Kết quả xếp hạng tín nhiệm trên là một minh chứng cho sự quản lý tài chính vững mạnh và tích hợp trong hoạt động kinh doanh của PVN. Xếp hạng tín nhiệm là bước khởi đầu vững chắc cho PVN trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế và chúng tôi tin rằng, kết quả xếp hạng sẽ giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế”.
Tuy nhiên, hiện nay, không ít ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng như chuyên gia cho thấy, ngành dầu khí đang đối mặt với nhiều thách thức do giá dầu diễn biến khó lường, các mỏ dầu chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy giảm tự nhiên...
Phân tích cụ thể hơn các thách thức, TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trên thực tế không chỉ ảnh hưởng đến hai nước này, mà có ảnh hưởng đến một loạt nước khác.
Khi đó, nền kinh tế toàn cầu chỉ cần tăng trưởng chậm lại 0,1 - 0,2% là đã quay lại tác động tới nhu cầu dầu mỏ hàng ngày.
Ở trong nước, tốc độ đầu tư của ngành dầu khí hiện nay rất chậm và mức độ đầu tư thấp, do cơ chế, chính sách có một số bất cập chưa được sửa đổi nhằm phù hợp với thực tiễn.
Ðiều này đe doạ tới sự phát triển bền vững của ngành và đương nhiên đe doạ đến sự đảm bảo an ninh năng lượng chung của đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới thúc đẩy tìm kiếm, phát triển các nguồn năng lượng mới từ sóng biển, địa nhiệt, dầu và khí đá phiến…, có giá cạnh tranh làm cho nhu cầu dầu thô giảm, khiến giá bán dầu trên thị trường chịu áp lực giảm.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu dầu khí. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây hạ dự phóng nhu cầu dầu mỏ toàn thế giới từ 100,6 triệu thùng/ngày xuống còn 100,3 triệu thùng/ngày.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Công ty Chứng khoán BSC đưa ra nhận định “Trung lập” với ngành dầu khí trong năm 2019 và kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trong những tháng cuối năm sẽ khả quan nếu giá dầu được cải thiện và các dự án trì hoãn sớm được đẩy nhanh tiến độ.
Cách nào vượt khó?
Từ nay đến cuối năm, thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, nên để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, giữ được xu hướng phát triển bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như toàn ngành phải triển khai nhiều giải pháp.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, ngành dầu khí phải tự mình tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao hệ thống quản trị để theo kịp các bước tiến trong công tác quản lý, cũng như công nghệ của các đối tác.
Trên thực tế, khi hợp tác với các đối tác, trong một số đề án, đối tác giải quyết rất nhanh các vấn đề, nhưng bên Việt Nam lại làm chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác.
Tất nhiên, những điều mà ngành dầu khí có thể tự mình giải quyết được thì chỉ trong một phạm vi nhất định, nên rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, bởi đây không chỉ thuần túy là lĩnh vực sản xuất như nhiều ngành khác, mà còn liên quan đến an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia.
TS. Lê Văn Hải, Ðại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, PVN với vai trò là “nhạc trưởng” trong ngành, đồng thời vừa được đánh giá định mức tín nhiệm khả quan, để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt cho toàn ngành, Tập đoàn cần mở rộng các dự án dầu khí, điện cho giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.
Cùng với đó, PVN cần chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, bảo đảm giải ngân vốn vay đúng cam kết cho các công trình, hạng mục đang triển khai, cũng như chuẩn bị nguồn vốn cho các dự án trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo ý kiến từ phía chuyên gia, tới đây, các doanh nghiệp ngành dầu khí cần tính toán giảm quy mô khai thác dầu và khí, hoặc dừng khai thác ở các mỏ khó, có giá thành sản xuất cao hơn chi phí khai thác dự kiến, đồng thời thúc đẩy phát triển chuỗi chế biến sâu, hạ tầng dịch vụ, hậu cần… để vừa đa dạng doanh thu, vừa giảm thiểu rủi ro vì quá tập trung vào hoạt động khai thác.
Từ kết quả hợp tác tích cực với các đối tác Malaysia, Nga, Mông Cổ…, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài trong thăm dò, khai thác dầu khí, không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nước ngoài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại theo chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ điều khiển tự động vào sản xuất - kinh doanh, quản trị…
“Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN phát triển, nhất là quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài, về tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ PVN”, ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất.