Công ty mẹ PVN: lợi nhuận tăng 16%
Tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 10 tháng đầu năm, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận sau thuế đạt 29.200 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét chung toàn ngành, 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các đơn vị trong Tập đoàn đạt 560.100 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 36.500 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch năm. Số liệu của PVN không đưa ra tỷ lệ tăng trưởng, nhưng có cơ sở để nhận định, tỷ lệ đó sẽ không cao bằng công ty mẹ.
Cụ thể, trong 37 DN nói trên, 7 DN có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái và 9 DN khác bị lỗ tổng cộng 403,31 tỷ đồng.
Xét 6 phân ngành dầu khí
Tạm chia các DN thành 6 phân ngành là dầu khí, vật liệu cơ bản, dịch vụ tiêu dùng, tài chính, công nghiệp và dịch vụ tiện ích. Trong số này, nhóm phân ngành dầu khí có 7 DN, gồm GAS, PVD, PVS, PVC, PGS, CNG và PVG, nhưng doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014 chiếm lần lượt 67,43% và 87,56% con số của 37 DN cộng lại.
Doanh thu thuần quý III/2014 của nhóm này đạt 39.335 tỷ đồng, tăng 21,43%; luỹ kế 9 tháng đạt 105.530 tỷ đồng, tăng 17,95% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, lãi trước thuế chỉ tăng 2,65% trong quý III/2014 và tăng 0,86% tính chung 9 tháng đầu năm, với kết quả tương ứng là 5.344 tỷ đồng và 16.661 tỷ đồng.
Nếu cộng thêm DPM, đơn vị duy nhất trong phân ngành vật liệu cơ bản, thì tỷ lệ đóng góp về doanh thu và lợi nhuận của 8 DN lên đến xấp xỉ 72% và 93,34%. Lúc này, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu 9 tháng đầu năm nay của 2 nhóm phân ngành (dầu khí và vật liệu cơ bản) tăng 15,55%, nhưng lợi nhuận giảm 5,44%. Trong kỳ, lợi nhuận của DPM giảm hơn một nửa, chỉ đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Phân ngành dịch vụ tiêu dùng có 4 DN là PET, PSD, PDC và PIT. Đây là nhóm có doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 lớn thứ hai sau dầu khí, với hơn 16.571 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận không đáng kể và mức tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 6,3%.
Tài chính là nhóm có lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng ấn tượng nhất, tăng 29,54%, nhưng con số tuyệt đối đạt được lại nhỏ nhất, chỉ hơn 248 tỷ đồng. Có 3/5 DN trong nhóm bị lỗ là PVR, PV2 và PFL; trong đó PVR và PV2 hầu như không còn hoạt động khi doanh thu không có đồng nào, còn PFL chỉ đạt 11,2 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận của nhóm này chủ yếu đến từ PVI (250 tỷ đồng), PSI đóng góp không đáng kể (4 tỷ đồng).
Phân ngành công nghiệp có 16 DN, gồm PVT, PVB, PXS, GSP, PSP, PVE, PPS, PCT, PHH, PSB, PXL, PPE, PXI, PXM, PXT và PVX. Doanh thu quý III/2014 của nhóm này đạt 6.288 tỷ đồng, tăng 29,41%; luỹ kế 9 tháng đạt 15.462 tỷ đồng, tăng 32,45% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014 của phân ngành công nghiệp đều xếp ở vị trí thứ 3 trong 6 nhóm, nhưng xét riêng về lợi nhuận thì quy mô lại rất nhỏ so với 2 nhóm đầu; tổng lợi nhuận của 16 DN cộng lại chỉ bằng 1/3 của DPM, với hơn 373,6 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, nhóm này lỗ hơn 1.412 tỷ đồng.
Nhóm cuối cùng là dịch vụ tiện ích, gồm PGD, PGC, ASP và PCG. Đây là nhóm có kết quả kinh doanh kém nhất khi doanh thu 9 tháng đầu năm tăng nhẹ 3,4%, còn lợi nhuận giảm 21,78%. Trong đó, quý III/2014, tình hình có vẻ khả quan hơn hai quý trước đó khi doanh thu đạt 3.340 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận đạt 115 tỷ đồng, hầu như không thay đổi so với quý III/2013.
Tiêu điểm
GAS là DN lớn nhất, với doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 chiếm hơn 1/3 trong tổng doanh thu của cả 37 DN; lợi nhuận chiếm 62,6%. Doanh thu quý III/2014 của GAS đạt hơn 19.605 tỷ đồng, tăng 14,87%; lũy kế 9 tháng đạt 54.373 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III/2014 chỉ tăng nhẹ 2,07%, đạt gần 3.820 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng giảm 7,13%, đạt gần 11.911 tỷ đồng.
Một số DN có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, xét cả về số tuyệt đối và tương đối là PVC, PVB và PXS. Cụ thể, PVC đạt 336,3 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 2,82 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 21,76%, đạt hơn 3.888 tỷ đồng.
Theo giải trình của PVC, doanh thu cung cấp dịch vụ dung dịch khoan - hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất tại 2 đơn vị thành viên là Công ty TNHH Dung dịch khoan M-1 Việt Nam và Công ty TNHH DMC-WS tăng mạnh, riêng quý III/2014 tăng 50,66%.
Đối với PVB, lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng 2,62 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 170 tỷ đồng. Con số này đến từ hoạt động kinh doanh, với doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 56%, đạt hơn 758 tỷ đồng; riêng quý III/2014, doanh thu tăng hơn gấp đôi, đạt gần 231 tỷ đồng.
PXS có lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014 gấp đôi cùng kỳ năm 2013, đạt 131,54 tỷ đồng; doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt 1.330 tỷ đồng.
Ở góc độ khác, đáng chú ý nhất có lẽ là PVX. Công ty chuyên xây lắp này lỗ gần 190 tỷ đồng trong quý III năm ngoái, nhưng quý III năm nay lãi hơn 175 tỷ đồng; tính chung 9 tháng đầu năm, PVX chỉ còn lỗ gần 210 tỷ đồng, so với âm gần 1.768 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Bên cạnh doanh thu hoạt động kinh doanh tăng mạnh, PVX còn được hoàn nhập hơn 126,3 tỷ đồng dự phòng nghĩa vụ bảo lãnh trong 9 tháng đầu năm nay.
Ngược lại với công ty mẹ PVX, PXT lãi 140 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái, nhưng 9 tháng đầu năm nay lỗ 143,61 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt 117 tỷ đồng, giảm 41,67% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, doanh thu quý III/2014 chỉ bằng 1/4 quý III/2013, với 24 tỷ đồng.
PXM cũng đáng chú ý khi giảm được mức độ thua lỗ. Mức lỗ 9 tháng đầu năm nay là 41,63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 133,41 tỷ đồng. Không phải công ty xây lắp này hoạt động tốt hơn, mà là do thu hẹp hoạt động. Với giá vốn cao hơn 3 lần doanh thu bán hàng, PXM càng làm sẽ càng lỗ.