Lọc hóa dầu Bình Sơn lo thiếu dầu thô chế biến
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) ước đạt tổng doanh thu hợp nhất 126.095 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 12.752 tỷ đồng khi kết thúc tháng 9/2022. Trong đó, lợi nhuận quý III đóng góp tỷ trọng nhỏ.
Phần lớn lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty đến từ quý II khi ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đột biến nhờ giá dầu duy trì ở mức cao, nhu cầu gia tăng, đặc biệt là chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô được mở rộng.
Để đảm bảo nguồn dầu thô chế biến cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Lọc hóa dầu Bình Sơn kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác ký kết các hợp đồng mua bán dầu thô dài hạn 3 - 5 năm với các chủ dầu ở cả trong và ngoài nước. Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị PVN bán dầu thô khai thác tại mỏ Ruby và mỏ Sông Đốc thuộc quyền quản lý của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn theo các hợp đồng dài hạn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Ngoài ra, Lọc hóa dầu Bình Sơn kỳ vọng các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh nội dung liên quan đến mức Premium đưa vào tính giá xăng từ nguồn sản xuất trong nước tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ theo thực tế thị trường; xem xét miễn thuế bảo vệ môi trường khi đốt dầu DCO/FO tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và điều chỉnh áp thuế nhập khẩu 0% đối với các nguyên liệu cho nhà máy nếu đưa vào làm nguyên liệu chế biến mà không phối trộn trực tiếp nhằm linh hoạt sản xuất, bổ sung xăng dầu kịp thời cho thị trường khi xảy ra thiếu hụt nguồn cung; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư 38/2014/TT-BCT về xuất khẩu, chuyển khẩu nguyên liệu dầu thô khi doanh nghiệp có nhu cầu bán lại, chuyển khẩu các lô dầu thô mua từ nước ngoài chưa nhập khẩu vào Việt Nam mà không làm phát sinh thêm thuế trong trường hợp cấp bách (thiên tai, dịch bệnh...).
Đạm Cà Mau: Khó khăn và thuận lợi đan xen
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) có nhiều yếu tố thuận lợi như xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga (nước xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới) dẫn đến nguồn cung phân bón thiếu hụt, làm giá phân bón tăng cao. Nga cắt giảm lượng khí đốt cấp cho châu Âu một lần nữa tác động làm giá khí đốt tăng vọt, khiến một loạt cơ sở sản xuất phân bón tại lục địa già phải tạm dừng hoạt động và giá urê trên thế giới và cả trong nước duy trì ở mức cao. Trong khi đó, PVN cung cấp đủ khí để Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành ổn định.
Mặc dù vậy, Đạm Cà Mau cũng phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ. Phân bón duy trì mức giá cao trong thời gian dài đã và đang làm giảm nhu cầu sử dụng. Một bộ phận người nông dân bỏ ruộng không canh tác (do chi phí đầu vào cao, trong khi giá nông sản đầu ra thấp), giảm bón và chuyển qua sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ thay thế. Ước tính, nhu cầu phân bón nội địa 9 tháng đầu năm 2022 giảm 20 - 30% so với cùng kỳ, buộc các đơn vị sản xuất trong nước phải đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo tồn kho hợp lý và duy trì sản xuất.
Đáng lưu ý, giá các nguyên liệu đầu vào để sản xuất NPK Cà Mau như Kali, DAP, SA duy trì ở mức cao do thâm hụt nguồn cung dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn trong việc cân đối sản lượng sản xuất và đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Tình trạng thâm hụt nguồn cung Kali, DAP gây khó khăn cho việc nhập khẩu các sản phẩm này về phục vụ sản xuất NPK Cà Mau cũng như hoạt động tự doanh.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Đạm Cà Mau ước đạt doanh thu 11.494,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.012 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận theo quý giảm dần khi quý I lãi 1.515,5 tỷ đồng, quý II lãi 1.039 tỷ đồng, quý III ước lãi 458,5 tỷ đồng.
PV Oil: Quý III thua lỗ
Quý III/2022, giá dầu đảo chiều do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Quý III/2022, giá dầu bất ngờ đảo chiều do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn tới nhu cầu về dầu sụt giảm, nhất là tại thị trường Trung Quốc khi nước này duy trì chính sách “Zero Covid”. Bên cạnh đó, giá dầu điều chỉnh còn do các nguyên nhân khác như giá USD tăng cao làm giảm nhu cầu hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại, áp lực lạm phát gia tăng khiến nhiều ngân hàng trung ương bao gồm Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng lãi suất nhằm chống lạm phát...
Giá dầu Brent DTD trung bình trong quý III là 101,4 USD/thùng, giảm 11% so với trung bình quý II và giảm 6% so với trung bình 6 tháng đầu năm 2022. Sự sụt giảm của giá dầu đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil, mã chứng khoán OIL).
Trong tháng 7 và 8/2022, PV Oil ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm 300 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lỗ hơn 200 tỷ đồng, các công ty con lỗ gần 70 tỷ đồng. Sang tháng 9, nhờ các chính sách điều hành linh hoạt và hợp lý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất có lãi khoảng 30 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lãi 57 tỷ đồng, các công ty con vẫn lỗ 13 tỷ đồng do ảnh hưởng từ hiệu quả bán lẻ.
Tính chung, quý III vừa qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PV Oil âm 277,5 tỷ đồng, làm giảm lợi nhuận đạt được trong nửa đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, PV Oil ước tính, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 710 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lãi 579 tỷ đồng, các công ty con lãi 129 tỷ đồng.
PV Gas: Lãi quý III bằng một nửa quý II
Tương tự Đạm Cà Mau, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas, mã chứng khoán GAS) cũng có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen.
Từ đầu 2022 đến nay, giá dầu Brent, giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới (giá CP) biến động mạnh, nhưng luôn ở mức cao so với giá kế hoạch, dù vài tháng gần đây điều chỉnh giảm. Giá CP bình quân 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 777 USD/tấn, cao hơn 35% so với giá kế hoạch.
Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh dần trở lại bình thường trong tình hình mới; Chính phủ có những chính sách hỗ trợ, kích cầu phù hợp; kinh tế có nhiều khởi sắc, GDP ghi nhận tăng trưởng cao, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát.
Tuy nhiên, tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn do xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và nhiều nước áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga, Trung Quốc áp dụng chính sách phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt..., dẫn đến thị trường năng lượng và chính sách tài chính toàn cầu có nhiều biến động (gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, giá cả leo thang, lạm phát tăng cao, giá nguyên nhiên liệu tăng...).
Một số cước phí/giá khí (cước phí Phú Mỹ - TP.HCM, cước phí Nam Côn Sơn 2 toàn tuyến và cước phí Sao Vàng - Đại Nguyệt, giá LNG bán cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 và các cước phí thành phần) chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chính thức; đầu tư vào Petec, tăng vốn điều lệ chưa được cấp thẩm quyền thông qua.
Trong bối cảnh trên, các cơ sở sản xuất - kinh doanh của PV Gas vẫn luôn đảm bảo an ninh, an toàn, độ tin cậy và sẵn sàng ở mức cao; doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài ngành, sự phối hợp nhịp nhàng các khâu từ thượng nguồn đến hạ nguồn, đặc biệt là sự chỉ đạo và ủng hộ tích cực từ PVN.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, PV Gas ước đạt doanh thu hợp nhất 76.534,9 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ đạt 74.195,5 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch 9 tháng và tăng 28% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 11.211,4 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt 10.876,4 tỷ đồng, vượt 109% kế hoạch 9 tháng và tăng 61% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý II/2022, trong kỳ, PV Gas lãi sau thuế hợp nhất 5.141,2 tỷ, trong đó, công ty mẹ lãi 5.086,5 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận quý III/2022 của PV Gas chỉ bằng một nửa quý II, trong khi những năm trước đó, lợi nhuận quý III thường tương đương lợi nhuận quý II.