Lợi nhuận tăng bằng lần
Giá dầu tuần qua biến động mạnh, có thời điểm rớt xuống 94 USD/thùng nhưng sau đó lại vọt lên 3 chữ số. Căng thẳng địa chính trị trên thế giới được cho là yếu tố khiến giá dầu khó trở về mức thấp như trước đại dịch.
Năm 2021, giá dầu dao động trung bình 70 USD/thùng đã giúp tổng doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 627.200 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 46.000 tỷ đồng, vượt 2,7 lần kế hoạch năm, tăng 2,3 lần so với năm 2020.
Hai tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 118.730 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ. Giá dầu trở lại mức cao như cách đây hơn 10 năm, dấy lên kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Các doanh nghiệp trực tiếp khai thác dầu khí không có doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán. Dù vậy, “ăn theo” nhóm này có một số tên tuổi như Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD),
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS), Tổng công ty Hóa chất và dịch vụ Dầu khí (mã PVC)...
Đầu tháng 3 vừa qua, PVD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan tại Indonesia. Theo đó, thông qua nhà thầu phụ PT. Jimmulya, PVD đã giành được hợp đồng cung cấp giàn khoan biển tự nâng PV Drilling II để phục vụ chiến dịch khoan của khách hàng tại vùng biển Natuna, Block A, Indonesia từ đầu quý III/2022.
Công ty cổ phần Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển (PTSC, mã POS) gần đây cũng ký được nhiều hợp đồng đáng chú ý.
Năm 2021, POS đã thực hiện Dự án cung cấp dịch vụ đấu nối, chạy thử và hoán cải ngoài khơi mỏ dầu Al Shaheen - Qatar (Gallaf 1).
POS đã đưa 800 người lao động sang triển khai dự án, hoàn thành đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Khách hàng đã tiếp tục ký kết hợp đồng sử dụng nhân lực của POS để thực hiện dự án Gallaf 2 trong năm 2022.
POS cũng đàm phán thành công gói thầu cung cấp dịch vụ Pipeline removal - “Phá dỡ, thu dọn đường ống ngầm” cho Chevron Thái Lan (Dự án CVX) có giá trị 40 triệu USD, thời gian thực hiện kéo dài đến tháng 5/2022.
POS được nhiều khách hàng ở các nước gồm Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Australia, Brunei, Thái Lan… mời tham gia nhiều gói thầu có giá trị lớn. Năm 2021, Công ty đạt doanh thu 2.099,29 tỷ đồng, bằng 144,31% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 34,55 tỷ đồng, bằng 103,51% kế hoạch.
Với tình hình thuận lợi, POS có thể trở lại giai đoạn đỉnh cao về lợi nhuận, đạt hơn 100 tỷ đồng như năm 2020, thậm chí có thể đạt tới 200 tỷ đồng như giai đoạn hoàng kim những năm 2012 - 2013 (giá dầu neo quanh 100 USD/thùng). Doanh nghiệp này từng có thời gian chia cổ tức 35% bằng tiền mặt năm 2013 nhờ nguồn việc dồi dào.
Khi hoạt động của ngành dầu khí nhộn nhịp trở lại, Tổng công ty Hóa chất và dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem) cũng có chuyển biến tích cực. Năm 2021, PVChem có tổng doanh thu hơn 2.622 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch và bằng 119% mức thực hiện năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 28,75 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch và bằng 88% so với năm 2020.
PVChem đã ký được các hợp đồng cung cấp hóa chất khoan, khai thác, hóa chất lọc dầu với các khách hàng Vietsovpetro, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cửu Long JOC... Trong lĩnh vực dịch vụ hóa chất dầu khí, PVChem cung cấp dịch vụ cho 22 giếng khoan và 2 giếng sửa của các nhà thầu dầu khí.
Với nhóm hạ nguồn là các doanh nghiệp sử dụng dầu, khí đốt làm nguyên liệu đầu vào như phân đạm, lợi ích có thể thu được khi giá dầu tăng cao có thể không quá lớn, song nếu giá đầu ra biến động mạnh cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu tốt, hiệu quả kinh doanh có thể tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trong khi đó, với doanh nghiệp điện khí, do chịu áp lực giá đầu vào, nên được dự phóng không quá tích cực.
Cổ phiếu dầu khí sang trang mới
Giá dầu Brent trung bình năm 2022 được nhiều tổ chức dự báo xoay quanh 90 USD/thùng (tăng 23% so với trung bình năm 2021). Cùng với giá dầu mỏ tăng mạnh, tình trạng thiếu hụt dầu, khí trong nước đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư các dự án thăm dò, khai thác mới.
Triển vọng hồi phục nền kinh tế cũng cải thiện nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, vận tải. Đây sẽ là cơ sở để cải thiện triển vọng kinh doanh và mức định giá của các doanh nghiệp dầu khí.
Nhìn nhận khá tích cực về ngành dầu khí năm 2022, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, ngành dầu khí có cơ sở vật chất được đầu tư tiên tiến, hiện đại, có năng lực tương đương trình độ khu vực và quốc tế, vì thế nếu chỉ định giá dựa trên P/E, EPS là chưa đầy đủ.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng đưa ra khuyến nghị khả quan đối với nhiều cổ phiếu ngành dầu khí trong năm 2022 (xem bảng).
Giá dầu sẽ neo ở mức cao?
Vào cuối năm 2021, các chuyên gia từ Deloitte và Reuters Events đã thăm dò ý kiến của 2.800 doanh nhân trên thế giới để tìm hiểu thái độ của họ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sự sẵn sàng của các công ty trong việc giảm lượng khí thải CO2.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các công ty phải đối mặt với một số thách thức khi thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu các-bon thấp. Nguyên nhân lớn nhất là thiếu hoặc chi phí cao về công nghệ mà gần 88% số người được hỏi cho rằng, đây là yếu tố quan trọng nhất đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Khoảng 1/44 số người được khảo sát nghi ngờ rằng, ngành công nghiệp năng lượng khó có thể đạt mục tiêu không phát thải ròng các-bon vào năm 2050.
Sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu đối với các nguồn năng lượng trên thị trường thế giới và những cú sốc về giá vào năm 2021, giá khí đốt giao ngay tại thị trường EU trong tháng 12/2021 đã lên tới 2.200 USD/1.000 m3 và tiếp tục tăng trong 2 tháng qua. Điều này chứng tỏ rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra với chi phí năng lượng tăng lên.
Trong tình hình như vậy, không thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch nếu không duy trì các hợp đồng cung cấp dài hạn nhiên liệu truyền thống. Điều này đi kèm với một cuộc khủng hoảng, đã được quan sát ở EU trong vòng 6 tháng qua.