Lượng hóa tác động của tỷ giá tăng
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận mức tăng 1,4%, sau khi duy trì sự ổn định trong hơn một năm trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do thậm chí còn tăng mạnh hơn, với mức tăng 2,3% so với thời điểm đầu năm 2017, nhất là trong tháng 6 và 7/2017 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Biến động của những đồng tiền mạnh như EUR hay USD luôn tác động rất lớn đến diễn biến tiền tệ quốc tế.
Theo thống kê của ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS), trong 10 năm qua, VND đã mất giá hơn 30% so với USD, trong đó giai đoạn 2008-2011 là bị mất giá nhiều nhất và thêm 1 lần vào năm 2015 khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Mỗi khi tỷ giá biến động đều ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nguồn vay nợ bằng USD sẽ chịu thiệt hại trực tiếp khi gánh nặng nợ vay tăng lên.
Doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ nước ngoài sẽ chịu chi phí tăng thêm theo mức độ tăng của tỷ giá. Chưa kể tỷ giá tăng còn làm gia tăng nguy cơ lạm phát và tất nhiên, chi phí cố định lẫn chi phí hoạt động thương mại đều bị ảnh hưởng.
Một số doanh nghiệp có các khoản thanh toán thường xuyên bằng ngoại tệ cũng chịu thiệt hại khi USD tăng.
Đơn cử, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện đang thanh toán nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài khoảng 850 triệu USD/năm, hay Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến chi khoảng 1 tỷ USD/năm để trả tiền mua dầu thô nguyên liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ.
Tỷ giá USD đã tăng 1,4% từ đầu năm đến nay và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ở nhóm doanh nghiệp vận tải biển như Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), CTCP Vận tải xăng dầu VITACO (VTO)… hầu hết vay nợ bằng USD để tài trợ cho đầu tư đội tàu, nên cũng chịu tác động từ việc tỷ giá tăng. Hiện tại, đa phần nhóm doanh nghiệp vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân ở mức khá cao.
Tính đến thời điểm hiện tại (27/7), việc VND giảm khoảng 1,4% so với thời điểm đầu năm khiến các doanh nghiệp ngành này chịu thêm khoản lỗ tỷ giá, khiến cho bức tranh kinh doanh chung của ngành chưa thể sáng trong năm 2018.
Một số doanh nghiệp đang gánh tỷ lệ vay bằng USD như CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), CTCP Vận tải Biển Vinaship (VNA)…, kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng khi tỷ giá được dự báo sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm.
Tổng mức đầu tư tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và CTCP Xây lắp dầu khí – PVC (PVX) làm tổng thầu EPC là 41.799 tỷ đồng.
Trong đó, riêng nguồn vay nước ngoài đã ký với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc là 937,14 triệu USD, bao gồm các hợp đồng vay trực tiếp, vay thương mại nước ngoài và hợp đồng bảo hiểm tín dụng, đến nay đã giải ngân 432,06 triệu USD, chiếm 46% hạn mức tiền vay; trả nợ gốc 81 triệu USD, số dư nợ 351 triệu USD.
Số còn lại hơn 505 triệu USD chưa thể giải ngân. Ngoài ra, PVN còn có dư nợ ngoại tệ cả tỷ USD để tài trợ cho chuỗi dự án khí trọng điểm như Cá Voi Xanh…
Nhìn vào con số này, không khó để thấy PVN đang chịu áp lực rất lớn do tỷ giá tăng.
Bản thân PVN cũng đã ước tính, nếu tỷ giá tăng khoảng 2% sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.800 tỷ đồng, trong khi mới 7 tháng đầu năm, tỷ giá đã tăng 1,4%.
Phòng ngừa biến động tỷ giá, cách nào?
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường như hiện nay, việc dự đoán trước biến động tỷ giá để lựa chọn đồng tiền thanh toán, giao dịch là rất khó đối với doanh nghiệp. Vậy đâu là biện pháp giúp doanh nghiệp phòng ngừa biến động tỷ giá?
Với khoản dư nợ hơn 30 triệu USD (tính đến thời điểm cuối quý I/2018), lãnh đạo Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) cho biết, việc tỷ giá tăng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung của Công ty trong năm 2018. Bởi tương tự như một số doanh nghiệp trong ngành dầu khí, PVS có nguồn thu bằng USD, điều này giúp doanh nghiệp cân bằng một phần với biến động tỷ giá.
Theo lãnh đạo PVS, riêng dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt (đã thực hiện từ đầu năm 2018) dự kiến đóng góp 160 triệu USD vào doanh thu năm 2018 của Công ty.
Dù vậy, trên thực tế, kết quả kinh doanh năm 2018 của PVS khó đạt kỳ vọng do vẫn có một số dự án chậm tiến độ, thậm chí phải ngừng hoạt động.
Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT) cho biết, Công ty đã có sự chuẩn bị để phòng ngừa, cũng như giảm tác động của rủi ro tỷ giá.
"Từ năm 2016, PVT đã chuyển các hợp đồng vay ngoại tệ sang hợp đồng vay VND khi lãi xuất vay đang thấp. Điều này giúp PVT giảm bớt gánh nặng từ chênh lệch tỷ giá. Dư nợ của PVT đã giảm từ 200 triệu USD (năm 2011) xuống còn 80 triệu USD (năm 2016) và đến nay chỉ còn vài triệu USD.
Ngoài ra, nguồn thu từ một số hợp động vận tải với các đối tác nước ngoài bằng USD cũng là lợi thế và khi thu được nợ, khả năng PVT có thể hạch toán lãi từ chênh lệch tỷ giá", lãnh đạo PVT nói.
Ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Kiên Hùng (KHS) cho biết, là doanh nghiệp có khoản dư nợ không lớn, chỉ khoảng 2 triệu USD, nhưng với biến động tỷ giá USD/VND như hiện nay (1,4%) cũng khiến Công ty chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, KHS đã trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá ở mức 2% nên thiệt hại vẫn trong tầm kiểm soát.
"Hơn nữa, việc ngân hàng để các doanh nghiệp được linh hoạt trong việc chuyển đổi ngoại tệ vay phù hợp với từng thời điểm cũng giúp các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa với rủi ro tỷ giá. Thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp thay đổi chính sách vay từ USD sang VND", ông Dũng cho hay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đang có khoản dư nợ bằng ngoại tệ khá lớn cho biết, công ty ông đã tham gia các sản phẩm phái sinh để cố định tỷ giá, trong khi một số doanh nghiệp khác lại chọn việc chuẩn bị trước các nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay cuối kỳ.
Theo vị này, đầu quý III/2018 thường là thời điểm nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lên kế hoạch nhập hàng và thanh thoán định kỳ, cũng là lúc tỷ giá "nóng" nhất, nên cần tính toán để tránh thiệt hại.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa hẳn được hưởng lợi bởi biến động tăng tỷ giá, bởi họ cũng phải nhập khẩu nguyên liệu. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tính đến phương án tăng giá bán để bù đắp chi phí.
Đơn cử, tại CTCP Thép Việt – Ý, hiện Công ty đang xuất khẩu 10.000 tấn thép mỗi tháng, nhưng cũng phải nhập khẩu tới 30.000 tấn phế liệu, quặng để sản xuất.
Để đối phó với việc tỷ giá tăng, theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nên yêu cầu khách hàng thanh toán ngay để được chiết khấu, thay vì trả chậm, hoặc doanh nghiệp có thể hoán đổi trước một lượng ngoại tệ và số tiền này sẽ được hoán đổi ngược lại trong tương lai.