Doanh thu bán hàng trong nửa đầu năm của Thép Nam Kim tăng tới 54,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11.022 tỷ đồng.
Đổ xô tăng trữ tồn kho
Theo số liệu báo cáo của Công ty cổ phần Thép Nam Kim, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này đến cuối quý II/2021 xấp xỉ 5.958 tỷ đồng, gấp 2,5 lần thời điểm đầu năm và cao gấp 2,28 lần thời điểm một năm trước. Với sản phẩm chính là tôn lạnh, tôn mạ kẽm mạ màu và các sản phẩm thép công nghiệp, Nam Kim là một trong các doanh nghiệp gặp được cơ hội của thị trường khi nhu cầu phục hồi và giá thép cán nóng (HRC) liên tục tăng trong suốt một năm qua.
Mỗi 100 đồng doanh thu chỉ giúp công ty này thu về 3,7 đồng lãi gộp trong nửa đầu năm 2020, nhưng lại mang tới 10,1 đồng lãi gộp ở kỳ này.
Không riêng tỷ suất lợi nhuận gộp, mà doanh thu bán hàng trong nửa đầu năm của Thép Nam Kim tăng tới 54,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11.022 tỷ đồng. Sức tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh là một trong nguyên nhân khiến công ty phải tăng tích trữ tồn kho, đặc biệt là tồn kho nguyên vật liệu, để mở rộng sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp ngành tôn thép cũng tận dụng cơ hội khi miếng bánh chung thị trường được “nở” rộng. Theo thống kê tồn kho tại 8 doanh nghiệp thép niêm yết trên sàn, tồn kho đến cuối quý II/2021 đạt 67.438 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cuối năm và tăng 88% so với quý II năm trước. Trong khi đó, doanh thu của nhóm này tăng 64%, tỷ suất lợi nhuận tăng cao nhờ xu thế tăng của giá hàng hóa đã giúp một số doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, thậm chí lãi gấp nhiều lần so với mức nền thấp của nửa đầu năm 2020. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trên xấp xỉ 1 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ.
Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhu cầu chung của toàn thị trường phần nào vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Dù vậy, hưởng lợi từ chính sách thắt chặt kiểm soát buôn lậu, Petrolimex đã gia tăng được thị phần và doanh thu. Đồng thời, tập đoàn này còn chi thêm hàng ngàn tỷ đồng để gia tăng lượng hàng tồn kho. Giá trị tồn kho đến ngày 30/6/2021 đã xấp xỉ 12.556 tỷ đồng, tăng 32,4% (3.145 tỷ đồng) so với đầu năm và là mức cao nhất từ quý II/2018.
Tồn kho của một “ông lớn” ngành xăng dầu khác là PV Oil cũng tăng hơn 30%. Tuy nhiên, khác với Petrolimex, doanh thu nửa đầu năm của doanh nghiệp xăng dầu này lại giảm 14%, nên vòng quay hàng tồn kho (được tính bằng giá vốn hàng bán/giá trị bình quân hang tồn kho) trong kỳ cũng giảm theo.
Việc giữ được vòng quay tồn kho ở mức cao thường là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khi hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều, mà được luân chuyển nhanh. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn tăng dự trữ nguyên vật liệu và thành phẩm ở thời điểm hiện tại nhằm đảm bảo khâu sản xuất không chịu rủi ro khi nguồn cung đứt gãy. Hơn nữa, trong xu hướng tăng giá, việc tăng dự trữ cũng nhằm đạt mức biên lợi nhuận tốt hơn.
Như trường hợp của Cadivi, doanh nghiệp này đã xác lập kỷ lục doanh thu mới hồi quý IV/2020, nhưng 2 quý đầu năm nay chỉ tăng trưởng gần 25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tồn kho đã cao gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020.
Đồ họa: Đan Nguyễn |
Lợi nhuận lớn, cẩn trọng rủi ro cao
Nhìn lại năm 2020 đầy biến động, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Thép Nam Kim đánh giá, chính việc gián đoạn nguồn cung từ các nước là cơ hội mà doanh nghiệp tôn này đã tận dụng được để bứt phá trong nửa cuối năm 2020. Tiếp tục trong nửa đầu năm 2021, diễn biến giá HRC vẫn giữ được xu hướng tăng. Công ty này đã có sẵn đơn đặt hàng xuất khẩu, đảm bảo hoạt động hết công suất đến hết tháng 11/2021.
Tuy vậy, xu hướng tăng của giá tôn thép suốt hơn một năm có được một phần bởi bàn tay “hữu hình” của nhà nước, bên cạnh yếu tố thị trường. Hàng loạt nhà máy thép tại Trung Quốc bị buộc cắt giảm sản lượng, thậm chí dừng hẳn hoạt động các lò luyện thép lâu năm, có mức độ gây ô nhiễm cao. Khi giá thép tăng quá cao, Chính phủ nước này một lần nữa can thiệp để giảm cầu đầu cơ, kiềm chế giá thép. Giá mặt hàng này cũng vì vậy mà điều chỉnh mạnh từ giữa tháng 6/2021. Ngay tại Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép xây dựng và tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5% nhằm mục tiêu “ghìm” đà tăng của giá thép. Như vậy, biến động giá hàng hóa vẫn rất khó lường ở thời gian tới.
Ngoài những rủi ro về sự lên xuống của giá hàng hóa, cơ cấu nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp đã thay đổi khi tận dụng đòn bẩy tài chính để mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã tăng các khoản vay ngắn hạn để bổ sung thêm nguồn vốn tăng trữ hàng tồn kho, thay vì huy động các nguồn vốn dài hạn, như phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu.
Gần đây, CTCP Đầu tư Thương mại SMC đã hoàn tất phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 8,2%/năm để bổ sung vốn lưu động. Đến cuối quý II/2021, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp này đã đạt trên 75,5%. Trong đó, các khoản vay nợ trả lãi (chủ yếu từ kênh tín dụng ngân hàng) chiếm gần 30%.
Hay trường hợp của Nam Kim, quy mô tài sản của doanh nghiệp tôn thép này đã tăng hơn 81% chỉ sau nửa năm, với nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến do tăng nợ nhà cung cấp (3.398 tỷ đồng) và tăng vay ngắn hạn ngân hàng (1.220 tỷ đồng). Tổng nợ phải trả cũng đã tăng từ 59% lên 67,5%. Sử dụng đòn bẩy tài chính là một trong những nguyên nhân giúp tăng hiệu quả hoạt động của Nam Kim, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã vọt lên 30%. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, doanh nghiệp cần cẩn trọng với tác dụng “đòn bẩy” của công cụ nợ.