Ở phương án khác, UBCK hướng dẫn các DN có thể tổ chức ÐHCÐ trực tuyến để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp trong giai đoạn đại dịch.
Tuy nhiên, hình thức này, DN phải rà soát lại quy định pháp lý và nếu chưa đề cập trong Ðiều lệ Công ty hoặc Quy chế nội bộ về quản trị công ty thì DN cần sửa đổi, bổ sung gấp quy định này để đủ điều kiện pháp lý tiến hành ÐHCÐ trực tuyến.
Quan sát trên thị trường cho thấy, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN đã chủ động hoãn tổ chức ÐHCÐ nhằm hạn chế tụ tập đông người.
Chẳng hạn, CTCP Quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức ÐHCÐ vào ngày 20/3.
Tuy nhiên, Ðại hội của Vinexad đã bị hoãn vì dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, Công ty chưa có lịch tổ chức đại hội. Dự kiến, khi nào cơ quan có thẩm quyền như Bộ Y tế công bố hết dịch, tình hình an toàn, Công ty mới lên lịch tổ chức Ðại hội.
Trước đó, ngày 17/3, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố thông tin về việc hoãn ngày tổ chức ÐHCÐ do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Thời gian hoãn họp không sau ngày 30/6/2020 hoặc ngày muộn nhất được cho phép theo quy định pháp luật.
CTCP Ðầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng công bố thông tin về việc gia hạn thời gian tổ chức ÐHCÐ, thay vì dự kiến tổ chức ngày 27/3.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hoãn ÐHCÐ bất thường vốn dự kiến tổ chức vào ngày 5/3 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Theo Khoản 2, Ðiều 136, Luật Doanh nghiệp 2014, ÐHCÐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Tuy nhiên, theo đề nghị của HÐQT doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng và chưa ai có thể dự đoán chừng nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, nếu trông chờ dịch bệnh qua đi thì rất có thể đến cuối năm mới có đại hội.
Do đó, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, cổ đông nhỏ chờ đợi các DN áp dụng hình thức họp ÐHCÐ có ứng dụng công nghệ thông tin, thay vì họp truyền thống, hoặc chấp nhận cổ đông bỏ phiếu từ xa.
Theo quy định tại Ðiều 136. Luật doanh nghiệp 2014, ÐHCÐ họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, ÐHCÐ có thể họp bất thường. Ðịa điểm họp ÐHCÐ phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp cuộc họp được tổ chức đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau thì địa điểm họp được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp. Quy định này được coi là mở cơ chế cho việc tổ chức ÐHCÐ trực tuyến.
Khoản 2, Ðiều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 về thực hiện quyền dự họp ÐHCÐ quy định, cổ đông được xem là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ÐHCÐ trong trường hợp như tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác hoặc gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.
Bối cảnh khác biệt của mùa ÐHCÐ 2020 buộc các DN và cổ đông phải chuẩn bị một cách làm khác để thực thi được việc tổ chức đại hội.
Tuy nhiên, cái khó cho thị trường hiện nay là chưa có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp ÐHCÐ trực tuyến ngoài VSD và FPTS.
Thực tế, những năm qua mới có một vài DN (C32, Cao su Sao Vàng, Nhựa Tiền Phong…) áp dụng thử nghiệm hình thức cho cổ đông bỏ phiếu từ xa, nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Ðó là chưa kể việc ai sẽ đảm bảo cho tính bảo mật và chính xác trong việc nhận phiếu và kiểm đếm phiếu trên hệ thống công nghệ do các đơn vị dịch vụ cung cấp, để đảm bảo ÐHCÐ của DN được tổ chức đúng luật, an toàn.