Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép của nước ta trong năm qua đạt 14,67 tỷ USD, tăng 12,8% so với năm 2016. Xét về số lượng, chỉ tính riêng trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 1 tỷ đôi giày dép, đứng vị trí thứ 2 sau Trung Quốc với 13,8 tỷ đôi.
Tính chung cả ngành da giày, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) ước tính, kim ngạch xuất khẩu năm qua đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Trong năm 2018, với kỳ vọng nhiều cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp có hiệu lực, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso dự báo, sản lượng xuất khẩu cũng như giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tăng trưởng tích cực.
Mục tiêu đặt ra của ngành da giày là trong năm 2018, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu từ 19,5 – 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017; sản xuất công nghiệp da giày tăng 5%; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%. Phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt từ 24 - 26 tỷ USD, năm 2025 là 35 - 38 tỷ USD và năm 2035 đạt 50 - 60 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất là 10 - 11%.
“Ngành da giày chắc chắn sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có sự hỗ trợ từ các FTA. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Sản phẩm giày dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi xuất khẩu vào EU, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ nặng ký khác, trong đó có các doanh nghiệp từ Trung Quốc”, ông Thuấn cho hay.
Cũng theo đại diện Lefaso, ngay khi FTA này có hiệu lực, nhiều sản phẩm da khác không nằm trong diện bảo hộ cũng sẽ có mức thuế suất giảm ngay về 0% theo cam kết, do đó, các mặt hàng chủ lực của ngành da giày như giày thể thao, túi xách sẽ được hưởng ngay mức thuế suất này. Theo đó, các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới sẽ quan tâm tới xưởng sản xuất của Việt Nam nhiều hơn để tận dụng các lợi thế này.
Đại diện Tập đoàn TBS Group (Bình Dương) mới đây cho biết đã mời thành công Tập đoàn Sketcher đến Việt Nam nghiên cứu dự án đầu tư nhà máy sản xuất giày dép tại tỉnh Hải Dương. Đại diện này tiết lộ, dự án có quy mô lên tới 20.000 lao động. Sketcher là một trong những tập đoàn sản xuất giày dép nổi tiếng tại Mỹ, cạnh tranh ngang ngửa với 2 thương hiệu lớn là Nike và Adidas.
Theo số liệu được TBS Bình Dương cung cấp, năm 2017, Sketcher đã phân phối hơn 200 triệu sản phẩm và đang có kế hoạch chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu dự án thành công, khả năng thu hút từ 700 triệu đến 1 tỷ USD đầu tư vào ngành da giày Việt Nam là khả thi.
Trước những thông tin khá thuận lợi, các doanh nghiệp ngành da giầy đang hào hứng lên kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu giày Phú Yên cho biết, hiện doanh nghiệp đã lên kế hoạch trang bị thêm máy móc dây chuyền sản xuất và tuyển thêm công nhân để mở rộng sản xuất, chủ động đón đầu cơ hội. Bên cạnh đó, ngay từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường nên số lượng khách hàng, đối tác tới giao dịch, kết nối nhiều hơn.
“Phần lớn các đối tác đã có thỏa thuận, chỉ còn chờ FTA với EU ký kết chính thức vào giữa năm nay để chốt đơn hàng. Dự kiến, tới nửa cuối năm 2018, các khách hàng sẽ liên tục chốt đơn và chính thức đặt hàng nên doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực nhằm đảm bảo đáp ứng đủ sản lượng sản xuất trong một thời gian ngắn theo đúng thỏa thuận”, bà Lan cho biết.
Doanh nghiệp này cũng dự tính, với số lượng đơn hàng tăng mạnh vào nửa cuối năm, dự báo sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng đáng kể so với năm 2017.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Da giày Phong Châu cho biết, Công ty đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống để tận dụng ưu đãi, từ đó có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, nhằm tận dụng tối đa quy mô và công suất sản xuất, Công ty đã và đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Phi, ASEAN… để tìm thêm cơ hội hợp tác; đồng thời, tăng cường đầu tư các khâu đầu vào như thiết kế, nguyên liệu để gia tăng nội địa hóa.
Theo ông Hữu Anh, hiện doanh nghiệp đã tự chủ động được khoảng 80 - 90% nguyên phụ liệu nội địa cho sản xuất đối với một số chủng loại sản phẩm giày dép, nhờ đó giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt về quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng tối đa cơ hội hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan.