Để cổ đông hiểu doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp làm cho nhà đầu tư hiểu về hoạt động kinh doanh của họ thì bản thân doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các quy định pháp luật mà còn cần làm sâu thông tin khi công bố.
Chúng tôi cho rằng, việc doanh nghiệp công bố thông tin tại kênh báo cáo thường niên chính là một cơ hội để doanh nghiệp thể hiện về chính bản thân họ, nếu họ quan tâm và cầu thị.
Giải báo cáo thường niên năm nay ghi nhận có nhiều doanh nghiệp niêm yết đã chú trọng hơn đến việc đăng tải các thông tin sâu mang tính tự nguyện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng chấm giải vẫn mong muốn chất lượng thông tin công bố cần phải nâng cao hơn nữa, ý thức tự nguyện trong công bố thông tin giữa các doanh nghiệp mang tính lan tỏa, đồng đều và nhất là thông tin công bố tại Báo cáo thường niên cần phải đem lại giá trị thiết thực hơn cho cộng đồng đầu tư.
Để cụ thể hơn, tôi muốn chia sẻ với các doanh nghiệp về một số vấn đề liên quan đến thông tin “tự nguyện” như trên khi làm Báo cáo thường niên như sau:
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội
(1) Sự kiện tác động đến hoạt động của doanh nghiệp
Trước hết là vấn đề liên quan đến mua bán & sáp nhập (M&A). Trường hợp thâu tóm, cần nêu rõ kế hoạch tài chính, các tiêu chí dùng để thâu tóm, kế hoạch này có pha loãng lợi ích của các cổ đông hiện tại hay không, nguyên nhân và lý do thâu tóm, công ty có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực kinh doanh của công ty thâu tóm... Trường hợp bán lại các công ty con, cần nêu rõ nguyên nhân bị bán, lãi lỗ từ việc bán công ty con, kế hoạch sử dụng tiền thu về....
Vấn đề tiếp theo là doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam sẽ gia nhập hiệp định TPP.
Đối với các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn từ TPP, bức tranh thông tin sẽ rất sâu sắc nếu doanh nghiệp phân tích thêm các yếu tố đặc thù hoạt động, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của doanh nghiệp khi Việt Nam gia nhập TPP.
(2) Rủi ro và quản trị rủi ro
Đây là nội dung rất quan trọng, ngày càng được quan tâm trong quản trị doanh nghiệp. Báo cáo thường niên nên nêu rõ phương pháp xây dựng quy trình quản lý rủi ro, trách nhiệm về quản lý rủi ro xuyên suốt hoạt động từ Ban Giám đốc, các đơn vị trực thuộc, phòng ban, bộ phận quản lý rủi ro (nếu có), bộ phận Kiểm toán nội bộ - kiểm soát nội bộ (nếu có).
(3) Những khó khăn trong nội tại của doanh nghiệp
Hầu hết các doanh nghiệp trong Báo cáo thường niên chỉ nêu các khó khăn chung của nền kinh tế, né tránh nêu các vấn đề khó khăn trong nội tại doanh nghiệp như thị phần, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh thấp, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, sản phẩm thay thế...
Rất khuyến khích nếu doanh nghiệp chia sẻ các thông tin khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động, trên thương trường. Khi đọc các Báo cáo thường niên như vậy, doanh nghiệp không những sẽ nhận được sự chia sẻ từ nhà đầu tư, cổ đông mà còn nhận được sự đánh giá cao về tính trung thực trong thông tin công bố, từ đó sẽ tạo được niềm tin của công chúng đầu tư đối với doanh nghiệp.
(4) Thông tin quản trị công ty
Ngoài những thông tin cần phải công bố theo quy định, thì doanh nghiệp nên cung cấp thêm các thông tin về hoạt động của các thành viên HĐQT độc lập, kiến thức, kinh nghiệm của các thành viên HĐQT trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, cung cấp các thông tin về việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty như áp dụng IFRS, đạo đức kinh doanh. Những thông tin này giúp cộng đồng đầu tư cảm nhận về một doanh nghiệp đã có các bước đi vững chắc từ nền tảng “quản trị công ty” bền vững, minh bạch.
Một mùa Báo cáo thường niên với sự chuyển động của chất lượng thông tin công bố và tính lan tỏa của tinh thần xây dựng Báo cáo thường niên tốt trong cộng đồng Doanh nghiệp Niêm yết. Xin chúc mừng Ban tổ chức giải và chúc mừng 50 doanh nghiệp niêm yết đạt giải cao Báo cáo thường niên 2014!