Các ngân hàng cần đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng khi vay gói hỗ trợ lãi suất

Các ngân hàng cần đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng khi vay gói hỗ trợ lãi suất

Doanh nghiệp cũng “dè chừng" gói vay hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các tổ chức tín dụng muốn cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng có những khách hàng đủ điều kiện và đúng đối tượng thì lại không muốn vay, còn khách hàng muốn vay thì hầu hết không đủ điều kiện và không đúng đối tượng.

Doanh nghiệp sợ phiền phức, ngân hàng sao cho vay?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một chi nhánh của TPBank khu vực Bắc Ninh cho biết, có nhiều doanh nghiệp đến Ngân hàng tìm hiểu về gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng để đi đến “chung cuộc” thì rất hiếm hoi.

“Một doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề nên Ngân hàng không thể xác định chính xác được “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”, vì thế không dám cho vay. Còn chính doanh nghiệp cũng sợ phiền phức, nên không thiết tha và không chủ động đề xuất”, vị giám đốc chi nhánh ngân hàng trên nói.

Một nhân viên tín dụng của VietinBank cho hay: “Doanh nghiệp có đủ điều kiện thì không cần vay hỗ trợ lãi suất, còn doanh nghiệp không đủ điều kiện thì sẵn sàng, bằng mọi cách để được vay”.

Câu chuyện trên cũng không phải bất thường khi bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB chia sẻ, tính đến cuối tháng 8/2022, Ngân hàng mới chỉ nhận được một đề nghị từ phía khách hàng vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, với tổng nhu cầu 400 tỷ đồng, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 2,5 tỷ đồng.

Tại BIDV, tính đến ngày 25/8/2022, ngân hàng này đã tiếp nhận 348 hồ sơ khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, trong đó giải quyết hỗ trợ lãi suất cho 20 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ 4.650 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 6,6 tỷ đồng.

“Kết quả còn khiêm tốn”, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV thừa nhận.

Theo ông Tú, dù đã thông tin/tuyên truyền rất nhiều đến chương trình hỗ trợ lãi suất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, các ngân hàng thương mại triển khai mạnh mẽ, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký vay rất ít. Thậm chí, có doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không đăng ký vay.

Ông Phạm Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, nhân viên Ngân hàng đã trực tiếp trao đổi với các khách hàng, nhưng họ có những cân nhắc và thận trọng khi đề xuất hỗ trợ lãi suất. Nguyên do bởi một số khách hàng từng trải qua thời kỳ hỗ trợ lãi suất năm 2019, họ e ngại công việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sau đó và cuối cùng bị yêu cầu hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ.

“Chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên ngân hàng và khách hàng cũng thận trọng hơn trong quá trình thực hiện”, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, các chi nhánh của Ngân hàng đã tiếp cận được gần 500 khách hàng, tuy nhiên, số khách chính thức gửi hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất khá thấp. Trong đó, số khách hàng chính thức gửi hồ sơ và Ngân hàng đang xem xét đến nay có khoảng 30 khách thì mới hỗ trợ được 3 và từ chối 6 vì không đúng đối tượng.

“TPBank được phân bổ 700 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi suất, nhưng với vướng mắc liên quan đến xác định đối tượng khách hàng, Ngân hàng rất khó giải ngân hết được số tiền”, ông Hưng nói.

Về vấn đề này, bà Hà cho hay, theo nguyên tắc hỗ trợ lãi suất tại Khoản 4, Điều 3, Nghị định 31/2022/NĐ-CP thì khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi là theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại. Đối với khả năng trả nợ chiếu theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, ngân hàng nào cũng đang triển khai và không phải hướng dẫn nhiều.

“Tuy nhiên, khả năng phục hồi theo đánh giá của nội bộ nghĩa là thế nào? Sau này, các cơ quan, đoàn kiểm tra lấy quy định nội bộ của chúng tôi để so sánh thực hiện thì không sao, nhưng nếu áp dụng quy định bất kỳ bên ngoài sẽ rất khó. Do vậy, tôi kiến nghị, nếu Nghị định 31 chỉ quy định do nội bộ ngân hàng quy định thì khi thanh tra, kiểm tra nên lấy định nghĩa của ngân hàng để đối chiếu”, bà Hà nói.

Để doanh nghiệp và ngân hàng “mặn mà” hơn

Có nhiều doanh nghiệp đến ngân hàng tìm hiểu về gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng để đi đến “chung cuộc” thì rất hiếm hoi.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó. Ngoài ra, Khoản 4, Điều 3, Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hiện không có hướng dẫn cụ thể về xác định khả năng phục hồi của khách hàng trong bối cảnh thời gian hỗ trợ rất dài, dễ dẫn tới mỗi ngân hàng có một cách áp dụng khác nhau.

“Tiêu chí xác định khả năng phục hồi do các ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, dễ dẫn tới sự không đồng thuận từ phía thanh tra, không được quyết toán chi phí hỗ trợ. Rủi ro khách hàng phát sinh nợ xấu trong quá trình hỗ trợ lãi suất cũng có thể khiến cơ quan thanh tra, kiểm toán không đồng thuận với kiến nghị quyết toán chi phí của ngân hàng”, ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm, với nhóm khách hàng là doanh nghiệp lớn, có nhiều ý kiến lo ngại quá trình thanh tra, kiểm toán chi phí hỗ trợ có thể kéo dài 3 - 4 tháng, ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, dù bản thân họ có nguồn lực tốt và hoạt động kinh doanh vẫn phát sinh lợi nhuận.

Phó tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân tiền mặt trên 100 triệu đồng và sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo, gói hỗ trợ 2% lãi suất không phải là miếng bánh ngon đối với các ngân hàng, do mục tiêu chỉ hướng đến những doanh nghiệp cần hỗ trợ. Dù được Chính phủ hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của ngân hàng, trong khi đó, ngân hàng phải chịu rất nhiều trách nhiệm trong việc triển khai gói hỗ trợ, đó là chưa kể những “phức tạp” rất dễ phát sinh trong quá trình triển khai.

Trong một tương quan khác, ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty Thủy sản Việt Âu nêu quan điểm: “Xây dựng chính sách đã khó, triển khai chính sách còn khó hơn. Bên cạnh việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, tôi mong muốn có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm thuế 50 - 70%; giảm tiền thuê nhà, cơ sở kinh doanh, tiền điện, nước… Tôi cho rằng, đây sẽ là những quyết sách thiết thực nhất đối với doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cơ quan quản lý phải tạo cho các ngân hàng thương mại một khoảng không gian nhất định để xử lý các trường hợp khách hàng có thể vướng vào như tài sản đảm bảo, hay nợ xấu, nợ chưa được chuyển nhóm... Về phía các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình hiện nay đang rất lúng túng, bởi vì kinh tế mới phục hồi nhưng về căn bản sự phục hồi chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp lớn và vừa.

“Theo tôi, biện pháp quan trọng bậc nhất lúc này đối với các doanh nghiệp là thuế. Đây là điều mà lâu nay Bộ Tài chính đã làm và cũng tạo ra hiệu ứng mạnh cho các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, chủ cửa hàng điện lạnh Hùng Thủy tại TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đối tượng hỗ trợ lãi suất nên được mở rộng, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tin bài liên quan