Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian qua đã làm cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất ICT chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Trong văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, các doanh nghiệp ngành sản xuất và dịch vụ công nghiệp kiến nghị 2 nhóm vấn đề như sau:
Về tài chính, các doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ lãi suất 100% cho doanh nghiệp đối với các khoản vay trả lương cho nhân viên. Bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp không còn hạn mức vay để trả lương cho nhân viên, đối với các doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay. Khoản này các doanh nghiệp kiến nghị áp dụng từ tháng 7/2021, cho đến sau 3 tháng kể từ ngày các lệnh giãn cách được bãi bỏ. Các doanh nghiệp chỉ cần chứng minh báo cáo tài chính, chứng từ vay trả lương cho nhân viên.
Cùng với đó, doanh nghiệp đề nghị được miễn giảm 100% mức đóng Bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn cho doanh nghiệp, từ tháng 8/2021 cho đến sau 3 tháng, kể từ ngày các lệnh giãn cách được bãi bỏ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị được giãn các khoản nợ thuế tối thiểu 6 tháng kể từ ngày đến hạn; khoanh gốc, lãi ngân hàng tối thiểu 6 tháng kể từ ngày Chính phủ công bố hết dịch; không thay đổi nhóm nợ, giảm lãi suất, tăng hạn mức cho vay với tài sản đảm bảo hiện có.
Để giải quyết vấn đề cấp bách, các doanh nghiệp cũng xin gói hỗ trợ bằng tiền mặt khẩn cấp cho doanh nghiệp trong khi chờ đợi các gói hỗ trợ khác, theo hình thức hoàn lại cho doanh nghiệp 50% số tiền Bảo hiểm xã hội đã nộp từ năm 2020 đến nay.
Đối với nhóm kiến nghị khác, các doanh nghiệp đề xuất cho phép doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động khi tỷ lệ tiêm vaccin trong doanh nghiệp từ 70% trở lên; được ưu tiên phân bổ vaccine để đạt được tỷ lệ từ 70% trở lên. Đồng thời cho doanh nghiệp được chủ động dùng phương pháp “test” nhanh mà không phải thông qua các cơ sở y tế.
Các doanh nghiệp ICT cũng đề xuất Chính phủ cần tháo dỡ các rào cản về thông thương xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa nội địa; Bãi bỏ việc xin phép đi đường đối với hàng hóa của doanh nghiệp khi lưu thông nội địa; Cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về lưu thông hàng hóa để khôi phục sản xuất...