Năm 2021, Viettel đạt doanh thu hơn 10 tỷ USD.

Năm 2021, Viettel đạt doanh thu hơn 10 tỷ USD.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: Hình thành những “sếu đầu đàn” tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp công nghệ số có vai trò dẫn dắt nền kinh tế số.

Tăng mạnh số lượng và doanh thu

Nhóm doanh nghiệp công nghệ số bao gồm các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số là trụ cột của ngành ICT Việt Nam, khi đã dẫn dắt nền kinh tế số trụ vững và phát triển mạnh trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Năm 2021, nhóm doanh nghiệp công nghệ số đã mang lại doanh thu cho ngành ICT hơn 136,153 tỷ USD, tăng khá so với con số 124,678 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Theo đó, Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm gần 6.000 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT mang thương hiệu Việt.

Những cánh chim đầu đàn trong ngành vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định trong năm 2021 như Viettel đạt doanh thu hơn 10 tỷ USD (271.000 tỷ đồng), VNPT khoảng 2,4 tỷ USD (56.605 tỷ đồng), FPT gần 1,5 tỷ USD (35.170 tỷ đồng)… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều kỳ lân mới như Momo được định giá 2 tỷ USD, Sky Mavis đạt mức định giá 3 tỷ USD, VNlife khoảng 1 tỷ USD… và hàng chục start-up được định giá trên 100 triệu USD.

“Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, đã có nhiều sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải các bài toán Việt Nam. Đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Còn theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, quy mô cộng đồng doanh nghiệp số không ngừng tăng trưởng. Trong đó, nhân lực công nghệ số tăng 5%, thêm khoảng 60.000 lao động.

“Các doanh nghiệp lớn có đủ nguồn lực, tiềm lực để giải quyết các bài toán lớn của quốc gia thông qua việc xây dựng và phát triển các nền tảng lớn. Trên nền tảng đó, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay để phát triển, triển khai những ứng dụng số, giải quyết những bài toán kinh tế số và xã hội số. Điều này giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Long đánh giá.

Hình thành nhóm doanh nghiệp trên 1 tỷ USD

Dù phát triển khá mạnh trong thời gian qua, nhưng theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, hơn 90% doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới còn hạn chế.

Nhân lực CNTT vừa yếu vừa thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đang đòi hỏi phải điều chỉnh khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, kinh doanh…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi tất cả doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số.

“Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Chúng ta có một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý. Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Về mục tiêu cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của công nghiệp công nghệ số gấp 2 lần mức tăng GDP; tỷ lệ đóng góp của dịch vụ công nghệ số vào GDP từ 6-6,5%/năm; phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, đạt tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; có 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD…

“Một trong những giải pháp để phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam là phát triển doanh nghiệp sếu đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ số. Cùng với đó là các giải pháp khác như phát triển hạ tầng công nghệ số mới, chính sách ưu đãi vốn và thuế cho doanh nghiệp ứng dụng sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực…”, ông Nguyễn Thanh Tuyên chia sẻ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2022 sẽ tập trung xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.Đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp công nghệ số vươn tầm cao mới, không chỉ là trụ cột của công cuộc chuyển đổi số đã và đang diễn ra, mà còn trở thành các “sếu đầu đàn” trong nền kinh tế số.

Tin bài liên quan