Metfone là công ty của Viettel hoạt động tại thị trường Campuchia.
Vì sao phải đi ra thế giới?
Việt Nam đang là quốc gia có sự vươn lên mạnh mẽ về công nghệ số. Trong “tấm áo đã chật”, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong tiến ra thị trường thế giới và thành công rực rỡ, như Viettel đạt doanh thu 3 tỷ USD từ 10 thị trường nước ngoài, FPT cán mốc 1 tỷ USD, Vingroup xuất khẩu ô tô sang Mỹ…
Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022, doanh thu xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam là 2,2 tỷ USD do 1.000 doanh nghiệp và 80.000 kỹ sư thực hiện. Con số này chỉ chiếm 0,1% tổng doanh thu 1.803 tỷ USD của dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao. Việt Nam đang xếp thứ 6 trong các quốc gia về nhân lực BPO/ITO, Top 2 điểm đến ở Đông Nam Á về xu hướng và giá IT gia công.
Chia sẻ bài học Go global, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel khẳng định, Go global mang đến nhiều cơ hội cho Viettel, với tiềm năng mở rộng thị trường, tạo ra không gian phát triển mới, tạo môi trường đào tạo con người. Đi ra nước ngoài cũng giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho cả Việt Nam và doanh nghiệp, cùng với cơ hội học hỏi khi được thử sức cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu thế giới.
“Năm 2006, Viettel mới là tân binh trên thị trường viễn thông Việt Nam và vẫn còn vô danh với thế giới. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu của chúng tôi đạt 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và số 1 Đông Nam Á về viễn thông. Việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài là bài học quan trọng để chúng tôi tự tin hơn, góp phần thúc đẩy sự đổi mới tại Việt Nam”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, công nghệ thông tin là thị trường không giới hạn, các doanh nghiệp Việt Nam nên ra nước ngoài tìm cơ hội tăng trưởng mới. Khách hàng ở đâu, doanh nghiệp Việt cần có văn phòng ở đó. Thị trường những nước nói tiếng Anh tốt luôn có sự cạnh tranh cao, do vậy các công ty Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội ở một số quốc gia không nói tiếng Anh, nhưng kỹ sư trong nước phải thông thạo ngôn ngữ của họ. Đó cũng chính là những thị trường đang khát khao các dịch vụ chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là thị trường chật chội. Chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số không lớn, nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất nhiều. Chúng ta có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Và đây là năng lực cạnh tranh chính của chúng ta để có thể đi ra nước ngoài”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp Việt
“Nỗi sợ” lớn nhất khi đi ra thị trường nước ngoài được các doanh nghiệp tiên phong như Viettel, FPT, Rikkeisoff… chỉ ra là thiếu đơn hàng, thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp và “hậu phương”. Cùng với đó là bất ổn chính trị, khác biệt văn hóa, tranh chấp pháp lý… Từ đó, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất để hành trình đi ra nước ngoài gặt hái được nhiều thành công.
Ông Tào Đức Thắng kiến nghị, dựa trên cơ sở của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần có các nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy doanh nghiệp tiến ra nước ngoài. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thành “sếu đầu đàn” để hỗ trợ các doanh nghiệp khác tạo sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển. Cùng với đó, hoàn thiện các cơ sở pháp lý tại Việt Nam để có quy định cho các hoạt động của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài như mua bán - sáp nhập, thoái vốn…
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp Việt cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, luật pháp nước sở tại trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án. Các doanh nghiệp Việt cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội.
Trong khi đó, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Misa đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp để kết nối, hợp tác một cách nhanh chóng, hiệu quả với các nhà phân phối ở các quốc gia. Đặc biệt, Misa mong muốn các doanh nghiệp Go global đi cùng nhau để phát triển, hỗ trợ, tạo sức mạnh đồng hành chinh phục thị trường thế giới.
Còn ông Nguyễn Viết Lâm, Phó tổng giám đốc Rikkeisoft kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên tạo các diễn đàn xúc tiến hợp tác với các đối tác lớn của nước ngoài để trao cơ hội “thực chiến” cho các doanh nghiệp trẻ trên thị trường nước ngoài. Bên cạnh việc doanh nghiệp tự đào tạo và tuyển dụng như hiện nay, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông có chiến lược chính sách kết nối doanh nghiệp với hệ đào tạo chính quy, kiến tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho thị trường global.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài, tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định đối tác số với các nước; thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đi ra nước ngoài. Bộ sẽ là chỗ dựa, là cầu nối, sát cánh cùng doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp số Việt Nam đặt chân đến. Mỗi tháng, Bộ sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện trợ giúp các doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài, đi ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới không chỉ để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài, để cạnh tranh với các đối thủ xuất sắc nhất, mà có thể trở nên xuất sắc nhất. Vì thế, họ đứng vững được ngay trên sân nhà, bảo vệ được vị thế trong nước, trở thành những trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.