Doanh nghiệp còn khó khăn, đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian tới, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, để các quyết sách vừa được Quốc hội quyết định thực sự đi vào cuộc sống, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vai trò giám sát của đại biểu cần được tăng cường hơn nữa.
Doanh nghiệp còn khó khăn, đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát

Thưa ông, tại nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và người lao động mất việc làm tăng. Vậy theo ông, những quyết sách tại kỳ họp này có góp phần làm vơi đi những khó khăn này không?

Ở Kỳ họp thứ năm vừa bế mạc cuối tuần trước, Quốc hội thông qua nhiều nội dung quan trọng, cả cho ngắn hạn và dài hạn. Đi vào cuộc sống nhanh nhất có lẽ là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng được thực hiện ngay từ ngày 1/7/2023.

Nhưng điều khiến đại biểu lo lắng là việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng còn rất chậm. Rất nhiều doanh nghiệp kêu, dù số liệu đã thể hiện hoàn đến 92% rồi, nhưng thực tế hình như lại không phải như thế.

Bởi vậy, thi hành luật, thực thi chính sách vẫn là quan trọng nhất.

Chính sách nào cũng có độ trễ, chưa kể thiếu điện chưa thể giải quyết ngay, rồi khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy cũng chưa được tháo gỡ.

Khó khăn nữa là các thị trường lớn đã thay đổi, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Sắp tới sẽ nhiều thách thức, chứ không chỉ toàn thuận lợi.

Vì thế, rất nhiều đại biểu đã rất sốt ruột về những giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế. Có đại biểu nói rằng, nếu không nói căng ở thời điểm này, thì không còn thời điểm nào khác, vì đến lúc nền kinh tế khó khăn hơn, kinh tế vĩ mô đã bất ổn, thì có nói cũng không còn nhiều cơ hội để “cứu”. Nhưng chỉ nói và bấm nút, thì có lẽ, vẫn chưa đủ, thưa ông?

Quyết sách đúng đắn, kịp thời là rất quan trọng, nhưng như tôi đã nói, thi hành luật, thực thi chính sách vẫn là quan trọng nhất. Vì thế, để chính sách đi vào cuộc sống, khâu giám sát là rất quan trọng.

Chẳng hạn, khi Quốc hội bắt đầu giám sát về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thì bên cơ quan hành pháp đã có chuyển biến. Hay mới đây, tôi có tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đoàn đã phát hiện ra rất nhiều vấn đề và ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có điều chỉnh.

Từ kinh nghiệm trực tiếp tham gia một số đoàn giám sát, tôi thấy, hoạt động giám sát có giá trị thúc đẩy việc thực thi rất lớn. Vì thế, ngoài 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, 2 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, thì các cơ quan của Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát trong lĩnh vực phụ trách.

Mà việc đầu tiên là giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ví dụ, ở Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Như vậy, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần có danh mục các văn bản cần phải được ban hành để luật đi vào cuộc sống, từ đó theo sát xem đã ban hành chưa, kịp thời hay chậm trễ để thúc đẩy việc thực thi chính sách mới ở luật này.

Nhân chuyện ông nói về giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ở kỳ họp vừa qua, có diễn biến rất đáng chú ý. Đó là đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nguy cơ thiếu sách. Sau khi nhận văn bản trả lời, đại biểu Thúy lại tiếp tục nêu vấn đề tại phiên thảo luận toàn thể, cảnh báo nguy cơ có “Việt Á” trong chọn sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản phản hồi, sau đó đại biểu Thúy tiếp tục có văn bản trao đổi. Ông nghĩ sao về cách thức này trong hoạt động giám sát?

Nếu đại biểu có đủ thông tin về một việc nào đó và có đủ cơ sở để khẳng định nhận định của mình là đúng, thì việc đeo bám đến cùng vấn đề như thế là rất tốt. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sau khi có ý kiến của đại biểu Thúy, cũng rất quan tâm đến những vấn đề được đại biểu nêu. Tôi tin là từ thông tin đại biểu Thúy nêu, sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều cơ quan, đại biểu khác cũng sẽ quan tâm. “Nói phải thì củ cải cũng nghe”, nếu vấn đề đại biểu nêu có cơ sở, thì các đại biểu sẽ ủng hộ.

Nhưng dường như, việc sử dụng quyền của đại biểu để đi đến tận cùng vấn đề trong giám sát như thế còn chưa nhiều, thưa ông?

Theo tôi biết, có khá nhiều đại biểu đã sử dụng quyền chất vấn qua văn bản. Chẳng hạn, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ yêu cầu phải có phản ứng chính sách nhanh hơn về thuế tối thiểu toàn cầu.

Những đại biểu mới làm nhiệm vụ ở nhiệm kỳ đầu tiên như chúng tôi, nếu có vấn đề gì thấy cần thiết cũng gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng giải trình.

Tuy nhiên, không phải văn bản nào cũng được công khai. Với những vấn đề mà đại biểu thấy đến thời điểm cần đưa ra nghị trường, thì sẽ đưa ra để có thêm có sự đồng hành của nhiều đại biểu nữa. Đại biểu Quốc hội có quyền để làm việc đó.

Bên cạnh khó khăn về vốn, thủ tục hành chính, thì cả người dân và doanh nghiệp còn gặp khó, bởi một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Theo đại biểu, những yêu cầu của Quốc hội tại nghị quyết của Kỳ họp có giải quyết được tình trạng này không?

Theo tôi biết, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị một nghị quyết quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Đó cũng là công cụ để bảo vệ cán bộ, công chức, song quan trọng là hệ thống pháp luật phải rõ ràng, minh bạch hơn.

Muốn vậy, theo tôi, cần quan tâm đến vấn đề là nâng cao vai trò giải thích pháp luật của cơ quan tư pháp. Lâu nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc giải thích pháp luật, nhưng vai trò của Ủy ban Tư pháp trong cách hiểu luật như thế nào là cực kỳ quan trọng, vì khi xét xử, người đưa ra phán quyết cuối cùng là cơ quan tư pháp. Thế nên, các cơ quan này, qua phán quyết của mình với từng vụ việc cụ thể có thể giải thích và qua đó tạo ra tiền lệ để người dân hiểu pháp luật một cách rõ ràng.

Ở các nước, cơ quan tư pháp có vai trò cực kỳ quan trọng trong giải thích pháp luật. Với nước ta, cũng cần nâng cao vai trò của cơ quan này.

Tin bài liên quan