Đây là ý kiến của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch CEO Summit tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam ngày 7/11.
Trong khoảng gần 1 tiếng đồng tại Hội nghị VBS, Thủ tướng đã trả lời nhiều câu hỏi của doanh nghiệp và truyền thông điệp về Chính phủ kiến tạo, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Do thời lượng Hội nghị có hạn, nên nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn được đối thoại nhiều hơn với người lãnh đạo Chính phủ.
Trao đổi với các doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, Thủ tướng sẵn sàng đối thoại với các doanh nghiệp và trong thời gian tới, với sự ủng hộ của Chính phủ, hội nghị thượng đỉnh kinh doanh sẽ được tổ chức định kỳ một số lần trong năm và có nhiều kênh đối thoại khác.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cần tận dụng các kênh đối thoại qua mạng điện tử, đối thoại qua internet.
“Thủ tướng Chính phủ có các diễn đàn điện tử để đối thoại với doanh nghiệp và người dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phụ trách, sẵn sàng tiếp nhận các câu hỏi kiến nghị của doanh nghiệp 365 ngày trong 1 năm”, ông Lộc nhấn mạnh.
Chung tay khai thác các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam để xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và minh bạch hướng theo những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và thế giới.
Hiện nay, cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực tại Việt Nam đều rất lớn: Nông nghiệp, du lịch, thị trường tài chính, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, đặc khu kinh tế, các lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Với vị trí địa-kinh tế thuận lợi, nơi giao thoa của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, với một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao, với một Chính phủ kiến tạo, quyết tâm đổi mới và thúc đẩy hội nhập… những cơ hội kinh doanh đầu tư nói trên đang được khơi dậy.
“Chúng tôi muốn được chia sẻ với tất cả các quý vị, chúng tôi muốn các quý vị đến Việt Nam để cùng đầu tư kinh doanh, cùng thắng”, ông Vũ Tiến Lộc dẫn thông điệp của lãnh đạo Chính phủ.
Là một nền kinh tế đi sau, tiềm năng về tài chính và công nghệ của nền kinh tế Việt Nam còn thấp, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, kiến thức và kinh nghiệm chưa nhiều, mô hình kinh doanh và trình độ quản trị, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, còn chưa đạt tới được những chuẩn mực tiên tiến nhất.
Do đó, VBS là cơ hội để các đại biểu quốc tế, các CEO hàng đầu của thế giới chia sẻ những giải pháp và khuyến nghị cho môi trường thể chế và mô hình kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang thử nghiệm như: Nông nghiệp thông minh, đặc khu kinh tế, nền kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo…
Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể còn nhiều điều cần tiếp tục cải thiện, nhưng có thể khẳng định, ở Việt Nam hiện nay, vị thế, vai trò của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Chính phủ và người dân Việt Nam luôn là người đồng hành, sát cánh với các nhà doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, hãy đến với Việt Nam, chung tay với chúng tôi khai thác các cơ hội kinh doanh tại đây. Việt Nam chào đón các bạn và “thành công của các bạn, của các nhà đầu tư nước ngoài chính là thành công của đất nước chúng tôi” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định.
“Chúng tôi kỳ vọng, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam lần này cũng là cơ hội chắp nối cho các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với những đối tác tiềm năng từ các nền kinh tế APEC và thế giới. Khi những người khổng lồ của thế giới đã đến đây, nghĩa là chúng ta cũng có cơ hội cho những dự án khổng lồ”, ông Vũ Tiến Lộc nói.