Trong danh sách DN nợ thuế, phần nhiều là các DN bất động sản

Trong danh sách DN nợ thuế, phần nhiều là các DN bất động sản

Doanh nghiệp có lãi vẫn nợ thuế

(ĐTCK) Trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế tính đến ngày 30/6/2015 do Bộ Tài chính, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP. HCM công bố, phần nhiều là các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp nợ thuế chủ yếu có kết quả kinh doanh yếu kém. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2015 đủ để trả số thuế còn nợ hoặc giảm số thuế phải nộp.

Nhiều doanh nghiệp “họ” Sông Đà và Viglacera nợ thuế

Đứng đầu danh sách nợ thuế là một doanh nghiệp “họ” Sông Đà, đó là CTCP Sông Đà-Thăng Long (STL), nợ hơn 375 tỷ đồng. Cổ phiếu STL đang được giao dịch trên thị trường UPCoM với mức giá 2.800 đồng/cổ phiếu. Kết thúc năm 2014, STL lỗ gần 1.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế hợp nhất là 1.484 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 1.306 tỷ đồng. Năm 2015, STL đặt kế hoạch doanh thu 180 tỷ đồng và không đưa ra kế hoạch lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp khác trong họ Sông Đà nợ thuế là CTCP Sông Đà 9.06 (S96) nợ 74,28 tỷ đồng tiền thuế, hiện cổ phiếu của công ty này đã bị hủy niêm yết bắt buộc. CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) nợ 31,12 tỷ đồng tiền thuế, cổ phiếu SDH rơi vào diện cảnh báo. Các doanh nghiệp SDB, S12, SDU… cũng nằm trong danh sách nợ thuế.

Đối với doanh nghiệp “họ” Viglacera, CTCP Viglacera Hà Nội nợ thuế 88 tỷ đồng, CTCP Cơ khí và Xây dựng Viglacera nợ thuế 50,2 tỷ đồng, Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera - Chi nhánh Tổng công ty Viglacera nợ thuế 39,9 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, CTCP Đồng Tâm (DTG) nợ thuế hơn 126 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, DTG đạt doanh thu thuần 1.013 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 152 tỷ đồng. Tương tự, CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (PTL) nợ thuế 8,4 tỷ đồng. Quý I/2015, doanh nghiệp này đạt 8 tỷ đồng doanh thu thuần, lỗ hơn 15 tỷ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế tăng lên 160 tỷ đồng.

Khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn, nhất là với doanh nghiệp có nợ vay lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã bán hết hàng nhưng vẫn nợ thuế kéo dài. 

Có lãi vẫn nợ

CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) công bố báo cáo tài chính quý II/2015 với doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 52 tỷ đồng, lãi sau thuế 48,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (lỗ hơn 2 tỷ đồng). Tuy nhiên, SHN là doanh nghiệp có khoản nợ thuế gần 16 tỷ đồng.

Dễ thấy, với những doanh nghiệp có nguồn thu, hoàn toàn có khả năng nộp thuế nhằm không nợ thuế hoặc giảm số thuế phải nộp. Nhưng nguyên nhân thực sự dẫn đến nợ thuế, khiến doanh nghiệp bị “bêu” tên thì có lẽ chỉ có doanh nghiệp mới giải đáp được.

Một điểm khác đáng lưu ý trong danh sách nợ thuế có 2 CTCK là CTCK Đông Nam Á nợ thuế 14,82 tỷ đồng, CTCK TNHH CIMB-Vinashine nợ thuế 14,73 tỷ đồng. Cả hai công ty này đều có kết quả kinh doanh kém khả quan. Nhưng xem xét báo cáo tài chính của một số CTCK khác (không nằm trong danh sách nợ thuế) thì thấy, nhiều công ty không hạch toán khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, tức khoản lợi nhuận trước thuế bằng khoản lợi nhuận sau thuế.

Có thể, doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế, hoặc lỗ lũy kế được miễn thuế. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, không có lỗ lũy kế, nhưng hạng mục thuế thu nhập doanh nghiệp để trống trên báo cáo kết quả kinh doanh, thì đây là vấn đề nhà đầu tư cần lưu tâm.

Bởi lẽ, không có khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) sẽ tăng. Trong trường hợp nào đó, doanh nghiệp buộc phải ghi nhận lại khoản thuế này sẽ khiến lãi sau thuế và EPS giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, gây thiệt hại cho những nhà đầu tư không nắm rõ được thông tin.

Tin bài liên quan