Ảnh hưởng diện rộng và nặng nề
“Ngành du lịch và hàng không Việt Nam trong tháng 4/2021 ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi nhu cầu du lịch và di chuyển của người dân dần tăng lên trong dịp nghỉ lễ dài. Tuy nhiên, đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đánh sập hy vọng của các doanh nghiệp hoạt động trong hai ngành này”, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (CIAS) nói.
Thực tế, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch, nguồn lây và biến chủng. Chính phủ và các cơ quan chức năng có lẽ sẽ cần thời gian dài hơn để dập dịch so với những lần trước. Theo đó, ảnh hưởng của dịch đối với các doanh nghiệp dự kiến nặng nề hơn.
Hiện tại, số lượng chuyến bay và số lượng khách giảm mạnh ở tất cả các sân bay của Việt Nam. Do đó, CIAS cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không đang chịu những tổn thất lớn.
Mặc dù dịch Covid-19 dần được khống chế, nhưng các hãng hàng không đang đối diện với tình trạng khách hàng xin hủy vẻ. Khó khăn bủa vây nên Công ty cổ phần Hàng không VietJet cho biết, Công ty đã phải bán không ít tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ do dịch bệnh.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) cho hay, Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. SVC chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, nhưng doanh nghiệp tiếp tục thay đổi để thích nghi.
“Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020, chúng tôi đã tập trung đánh giá mức thiệt hại, đồng thời thực hiện tái cấu trúc bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất. Ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh là điều chúng tôi đã sớm nhìn nhận, nhưng bây giờ, chúng tôi tập trung tìm cách để giảm ảnh hưởng nhất có thể”, lãnh đạo SVC chia sẻ.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch, nguồn lây và biến chủng, nên có lẽ cần thời gian dài hơn để dập dịch. Theo đó, ảnh hưởng của dịch đối với các doanh nghiệp dự kiến nặng nề hơn.
Một số phân khúc bất động sản và ngành dịch vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, hệ thống khách sạn của nhiều doanh nghiệp không có khách, tạm ngừng hoạt động, nhưng bộ máy vẫn phải duy trì, chi phí mỗi tháng rất lớn.
Đối với ngành bán lẻ, những tưởng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng theo đại diện Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), sức mua của thị trường ICT (công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông) suy giảm do thu nhập của người dân giảm.
Ngoài ra, các cửa hàng nằm trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Nỗ lực thích nghi
Lo lắng là điều khó tránh khỏi đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu tác động trực diện bởi dịch Covid-19. Mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đang có những ứng phó linh hoạt theo nhiều cách khác nhau.
Như chia sẻ của ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), ở giai đoạn này, thay vì mở rộng phát triển, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận các nguồn thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền.
Tại CIAS, ông Phạm Quang Minh cho biết, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện doanh thu, giảm thiểu chi phí để tối thiểu hóa những tổn thất và sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh.
“Yếu tố con người luôn được CIAS coi trọng, nên các phương án hỗ trợ nhân viên trong mùa dịch đã được áp dụng và sẽ tiếp tục có những chương trình hỗ trợ nhân viên mới. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, CIAS đã chuẩn bị phương án làm việc từ xa cho các phòng, ban chức năng để đảm bảo tính liên tục trong công việc. Ngoài ra, một số phương án chuyển đổi số trong kinh doanh đang được Công ty nghiên cứu triển khai”, ông Minh nói.
Với các doanh nghiệp bán lẻ, có đặc thù là thuê nhiều cửa hàng, chi phí lớn, nên việc rà soát, cải tiến các hoạt động như quản lý hàng tồn kho, công nợ, vận chuyển, nhân sự, thuê nhà… được tập trung đẩy mạnh nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ đang niêm yết trên HOSE cho hay, doanh nghiệp đã xây dựng các kế hoạch hoạt động kinh doanh để ứng phó với các mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ giãn cách xã hội ở một số khu vực cho đến việc giãn cách diễn ra trên toàn quốc như triển khai làm việc từ xa, đẩy mạnh bán hàng online, tổ chức lại việc bán hàng tại cửa hàng nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng…
Trong lĩnh vực hàng không, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc VietJet kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ như giảm thuế, phí, vay vốn lãi suất thấp…, dù doanh nghiệp đang nỗ lực tối ưu chi phí và áp dụng nhiều giải pháp để chặn đà suy kiệt dòng tiền hoạt động.
Nhìn xa hơn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công và thu hút đầu tư, bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cần được thúc đẩy để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Trước đó, bà Phương chia sẻ, doanh số thanh toán hàng năm của VietJet là trên dưới 2 tỷ USD. Mặc dù giao dịch trên Internet, nhưng tỷ lệ thu hộ bằng tiền mặt rất cao. VietJet có nhu cầu phát hành ví điện tử và mong muốn Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện.
“Chúng tôi đã đề xuất có các giải pháp giảm thuế, phí. Trong đó, đối với ngành hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50 - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng. Đây cũng là nội dung đề xuất được lãnh đạo nhiều tập đoàn đồng tình kiến nghị tới Chính phủ”, bà Phương cho biết.
Trong tình hình khó khăn chung vì dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, hệ thống ngân hàng là rất cần thiết để cộng đồng doanh nghiệp có thể tồn tại và phục hồi sau dịch, đặc biệt là chính sách tài khóa.
Thuế, tiền thuê đất, thuê mặt bằng nên là các khoản được ưu tiên điều chỉnh miễn, giảm, hoặc gia hạn thanh toán. Các khoản vay ngân hàng cần được giãn nợ trong một khoảng thời gian đủ dài và doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn để có thể huy động cho sản xuất - kinh doanh.
Với doanh nghiệp ngành hàng không, có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 tại các sân bay, nên một yếu tố quan trọng khác nhằm phục hồi hoạt động là được ưu tiên tiêm vắc-xin đầy đủ.