Doanh nghiệp chuyển đổi số: Bắt đầu trước khi quá muộn

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Bắt đầu trước khi quá muộn

(ĐTCK) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần biết cách tận dụng xu thế và khả năng về vốn, nguồn lực để tăng cường quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. 

Một báo cáo gần đây cho rằng, cứ 4 trong số 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới.

Hơn thế nữa, vòng đời của một công ty được sử dụng để tính toán ra chỉ số S&P 500 đã rút ngắn từ hơn 50 năm vào thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại, do phải cạnh tranh gay gắt. Các công ty bậc thầy về công nghệ vượt trội hơn 9% so với các doanh nghiệp khác về doanh thu, 26% trong khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường.

Tại Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội đang gặp nhiều thách thức cùng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Làn sóng toàn cầu hóa đặt các doanh nghiệp trong nước vào sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài, những công ty có tiềm lực vốn, trình độ công nghệ và trình độ quản trị vượt trội.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một điểm sáng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế vượt qua các thách thức này. Doanh nghiệp nào nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghệ trong việc sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên dữ liệu, giảm thiểu chi phí và nguồn lực sẽ có ưu thế cạnh tranh cao hơn. Họ sẽ là người chiến thắng, và ngược lại. 

ERP - công cụ không thể thiếu để chuyển đổi số

Theo khảo sát của PwC 2016, các doanh nghiệp kỳ vọng mức độ số hóa của họ tăng gấp đôi sau 5 năm (từ 33% lên 72%). Kế hoạch của họ đầu tư cho công nghệ theo xu hướng cách mạng 4.0 trung bình 5% doanh thu hàng năm cho đến năm 2020.

Doanh nghiệp muốn tăng sức cạnh tranh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cần phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó ERP là sự lựa chọn cơ bản. Sử dụng ERP tức là doanh nghiệp chuẩn hóa được quy trình nghiệp vụ, tích hợp các quy trình bên trong và bên ngoài, số hóa và chuẩn hóa các sản phẩm, dịch vụ, vật tư cũng như các đối tượng cần quản lý khác.

Các giải pháp ERP hàng đầu thế giới đều phát triển nền tảng công nghệ theo xu hướng cách mạng 4.0, cho phép xử lý dữ liệu lớn với các tính năng phân tích ưu việt và công nghệ xử lý in-memory. Hệ thống ERP có thể kết nối với các thiết bị trong nhà máy, các tài sản doanh nghiệp, các vật tư - sản phẩm, hay các hệ thống điều hành... để tự động tối đa việc thu thập dữ liệu cũng như vận hành sản xuất.

Sự phát triển của ERP trên điện toán đám mây giúp cho việc kết nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với đối tác/khách hàng trở nên dễ dàng hơn, bất kể khoảng cách về địa lý và lãnh thổ.

Với FPT, sau gần 20 năm triển khai ERP đã giúp Tập đoàn cải thiện đáng kể quá trình kiểm soát tài chính, công nợ, đơn hàng, số liệu hạch toán…

Trên thực tế, việc áp dụng giải pháp ERP cũng đã có tác động sâu rộng tới bộ máy điều hành và từng đơn vị của FPT, tạo thói quen dùng số liệu để điều hành và ra quyết định ở tất cả các cấp quản lý trong Tập đoàn.

Hay tại Dược Bình Định (Bidiphar), với 21 chi nhánh trên toàn quốc và 2 nhà máy sản xuất, Công ty rất cần có một hệ thống quản trị nguồn lực ưu việt.

Từ năm 2008, Bidiphar đã tiếp cận ERP, nhưng do sự chuẩn bị và lựa chọn ở thời điểm đó chưa phù hợp nên không thành công. Mặc dù vậy, với mong muốn có một hệ thống quản trị tiên tiến, Bidiphar vẫn quyết tâm triển khai ERP.

Năm 2014, hệ thống ERP do Bidiphar cùng FPT IS triển khai hoàn thành đã mang lại nhiều cơ hội mới cho đơn vị. Cụ thể, khi Bidiphar xuất khẩu qua châu Âu, một yêu cầu quan trọng là phải ứng dụng công nghệ thông tin mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Ngoài sản xuất, Bidiphar còn phân phối cho các đơn vị khác, nếu không có nền tảng quản trị tiên tiến sẽ không được họ đồng ý hợp tác. Từ khi làm ERP, đơn vị đã có thêm nhiều đối tác quan trọng, giúp giá trị doanh nghiệp tăng lên trong mắt nhà đầu tư, làm thông tin tích lũy lâu dài, quy trình tốt hơn, kiểm soát chéo lẫn nhau và giảm rủi ro.

Câu chuyện của Gỗ An Cường cũng là một minh chứng rõ rệt về hiệu quả ứng dụng ERP. Với đặc thù là doanh nghiệp gỗ vừa bán sỉ, vừa bán lẻ, cộng thêm bán hàng nội thất cho các dự án nên việc kết nối các dữ liệu từ bán hàng, sản xuất, giao hàng, xuất hóa đơn và kiểm soát đối chiếu công nợ với khách hàng của An Cường rất phức tạp.

Hàng loạt bài toán cần phải được giải quyết như quản lý bộ mã cho hàng nội thất, quản lý công đoạn sản xuất hàng nội thất, quản lý đồng bộ các chi tiết thành phẩm sau sản xuất, nghiệm thu và xuất hóa đơn theo tiến độ… Bên cạnh đó, các yêu cầu báo cáo cũng rất đặc thù, đặc biệt là các báo cáo theo dõi công nợ theo hợp đồng.

Hệ thống SAP ERP khi đưa vào hoạt động đã giúp An Cường giảm được một nửa thời gian quyết toán và tính kết nối giữa các bộ phận, phòng ban chặt chẽ hơn. Ban tổng giám đốc và các công ty thành viên có thể kiểm soát được đầu vào và đầu ra của quy trình, kiểm soát công nợ theo chi tiết đến từng hợp đồng, từng khách hàng, theo dõi được công nợ quá hạn của từng hóa đơn. 

Tăng cường trải nghiệm khách hàng với Big Data

Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) là quá trình thao tác trên một tập dữ liệu lớn để tìm ra những mô hình ẩn, những mối tương quan chưa biết, xu thế thị trường, sở thích của khách hàng và các thông tin kinh doanh hữu ích. Công nghệ này đang được ứng dụng tại nhiều đơn vị.

Sàn thương mại điện tử Sendo.vn ứng dụng thuật toán khuyến nghị của big data để giúp tìm ra các sản phẩm mà một khách hàng có thể quan tâm thông qua những khách hàng có sở thích tương tự. Bên cạnh đó, Sendo.vn dùng thuật toán xác định thông tin nhân khẩu học về khách hàng để thực hiện các chiến lược marketing.

Từ việc xem và mua sản phẩm, doanh nghiệp có thể đoán được giới tính, nơi sống, loại sản phẩm mà khách hàng có thể mua trong tương lai. Quá trình triển khai bài toán này đã giúp cho việc tiếp cận và hiểu nhu cầu khách hàng của Sendo.vn phát triển vượt bậc.

Hệ thống khuyến nghị người dùng không chỉ được ứng dụng cho thương mại điện tử, mà còn góp phần tăng trải nghiệm người dùng trực tuyến trên nhiều lĩnh vực khác nhau như giải trí, truyền thông đa phương tiện, nhu cầu tìm kiếm thông tin hữu ích…

“Customer Voice” là một trong 5 chương trình thuộc Dự án Quản trị trải nghiệm khách hàng (CEM) đang triển khai tại FPT Telecom. Đây là một nền tảng kết nối, quản trị và xử lý tập trung tất cả các phản hồi, đánh giá của khách hàng.

Hệ thống sẽ đo sự hài lòng và ghi nhận các phản hồi của khách hàng tại những điểm tiếp xúc quan trọng đa kênh từ tổng đài điện thoại, email, trò chuyện trực tuyến, Facebook đến các kênh mới như Ứng dụng Hi FPT… và các mức hài lòng được số hóa theo phương pháp điểm CSAT (Customer Satisfaction).

Với những điểm CSAT thấp, nghĩa là khách hàng không hài lòng, hệ thống sẽ có cơ chế tự động chuyển tới những đơn vị liên quan để xử lý, phân tích rút kinh nghiệm và có hành động khắc phục với khách hàng theo nguyên tắc “closed loop feedback” - xử lý ngay từng trường hợp phản hồi của mỗi khách hàng. Hệ thống hoạt động theo một quy trình khép kín và liên tục. 

Dùng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc khách hàng

Làn sóng nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tại Việt Nam. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp ứng dụng chatbot vào việc chăm sóc khách hàng. Một số doanh nghiệp ứng dụng chatbot để phục vụ tác vụ đặc thù của mình.

Với vai trò là nhà cung cấp Internet hàng đầu tại Việt Nam, để cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng, FPT Telecom đang duy trì đội ngũ hơn 300 người nhằm hỗ trợ và chăm sóc khách hàng.

Facebook Messenger gần đây trở thành kênh tương tác với khách hàng quan trọng, đặc biệt là các khách hàng trẻ. Từ đầu năm 2017, FPT Telecom đã triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ khách hàng tự động trên Facebook Messenger sử dụng hệ thống FPT.AI.

Việc này hướng tới nâng cao hiệu quả, giảm thời gian phản hồi khách hàng xuống gần như bằng 0, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số FPT Shop cũng ứng dụng FPT.AI để phát triển chatbot tập trung vào việc bán hàng và tư vấn sản phẩm cho người dùng qua kênh Facebook.

Trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ ngân hàng số Timo mới đây đã tung ra một công nghệ mới là Timo Chat Bot, được xem là một cải tiến mới thay thế công việc cơ bản của một nhân viên tư vấn, giúp trả lời những câu hỏi hằng ngày lặp đi lặp lại của người dùng.

***

Những ví dụ kể trên chỉ là một số trong rất nhiều phương cách ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số mà các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai. Tùy theo đặc thù từng ngành nghề, công việc, mục đích mà mỗi doanh nghiệp sẽ có những hướng đi riêng. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ góc độ nào thì để chuyển đổi số thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng 4.0, rất cần sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lựa chọn đơn vị triển khai có năng lực và kinh nghiệm.

Tin bài liên quan