Chi phí lãi vay cao khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Chi phí lãi vay cao khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Doanh nghiệp chưa vơi gánh nặng chi phí lãi vay

0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cho thấy, chi phí lãi vay tăng cao, trong khi tỷ lệ đòn bẩy nhìn chung đang hạ. Ở một số trường hợp, công ty gia tăng đòn bẩy để mở rộng kinh doanh, nhưng cũng thua lỗ dù doanh thu tăng mạnh.

Lãi vay “đánh bay” tăng trưởng lợi nhuận

Kết quả kinh doanh quý III của Tập đoàn Lộc Trời khiến giới đầu tư “bật ngửa” khi công bố con số thua lỗ kỷ lục. Lợi nhuận sau thuế âm tới 327 tỷ đồng, bất chấp nhiều kỳ vọng từ việc xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng nhờ nhu cầu tăng vọt từ các nước trong khu vực và cuộc chạy đua giá gạo toàn cầu.

Mảng lương thực - lúa gạo thực tế đã tăng 57% so với cùng kỳ và đóng góp tới 75,7% tổng doanh thu 3 quý đầu năm của Lộc Trời. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp vẫn chỉ duy trì loanh quanh 2,7%. Do đó, sau khi trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp cũng tăng gần 58%, nhưng chỉ đạt vỏn vẹn 216 tỷ đồng. Thành tích này không đủ bù sự tăng lên đáng kể của chi phí lãi vay và các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Giải trình tới các cổ đông, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Lộc Trời cũng thừa nhận, khoản lỗ ròng kỳ này xuất phát từ sự biến động mạnh về chi phí.

Theo đó, chi phí lãi vay 3 quý đầu năm của doanh nghiệp gạo này lên tới 438 tỷ đồng, gấp 2,77 lần so với mức 158 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Điều này không mấy khó hiểu, bởi các khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Thêm nữa, do hầu hết là vay tín chấp, lãi suất các khoản vay bằng VND của doanh nghiệp này cũng dao động quanh mức 8%. Một số khoản như vay PVcomBank, chi nhánh Tiền Giang, hay vay cán bộ, công nhân viên áp dụng mức lãi trên 10%.

Thống kê kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, chi phí lãi vay vẫn chưa vơi. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ghi nhận quy mô doanh thu co hẹp, còn chi phí lãi vay vẫn tăng mạnh.

Dù hoạt động trong mảng kinh doanh được coi là điểm sáng của ngành xuất khẩu cũng như cả nền kinh tế , gánh nặng lãi vay từ chính nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh lại “đánh bay” toàn bộ lợi nhuận của Lộc Trời. Tập đoàn lỗ ròng trong quý III, nên trong cả 3 quý đầu năm chỉ còn lãi khoảng 17 tỷ đồng, tương đương 8,5% lợi nhuận cùng kỳ.

Không riêng Lộc Trời, thống kê theo kết quả kinh doanh quý III mà các doanh nghiệp niêm yết công bố đến thời điểm hiện tại, chi phí lãi vay tại các doanh nghiệp vẫn chưa vơi. Thậm chí, không được như Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng quy mô doanh thu co hẹp, còn chi phí lãi vay vẫn tăng mạnh.

Doanh thu của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam giảm 36,5% so với cùng kỳ. Dù biên lãi gộp tăng mạnh, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, riêng lãi vay gấp 9,25 lần (hơn 47 tỷ đồng) đã kéo lợi nhuận trở lại giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Petrolimex - hãng xăng dầu lớn nhất cả nước đạt 72.414 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lãi vay tăng 47%. Petrolimex báo lãi trước thuế hơn 1.150 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, nhưng đều nhờ khoản lãi đột biến 645 tỷ đồng từ bán khoản đầu tư tại PGBank và mức nền thấp của quý III/2022 khi xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu.

Một số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng đột biến của chi phí lãi vay so với cùng kỳ, “ăn mòn” hàng trăm tỷ đồng vào lợi nhuận. Điển hình như Tổng công ty Sông Đà (gần 15 lần), The PAN Group (gần 2 lần), CTCP Tập đoàn Xây dựng SCG (1,2 lần)…

Hạ lãi vay, bao giờ mới “ngấm”?

Theo báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cho thấy chi phí lãi vay tăng cao, trong khi tỷ lệ đòn bẩy nhìn chung đang hạ. Mặc dù đạt mức cao nhất nhiều năm trong quý II trước đó, chi phí lãi vay vẫn tiếp tục kéo dài xu hướng đến quý III vừa qua, khi tăng lên 6,8%, thêm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ đòn bẩy đạt mức thấp kỷ lục 60,7% trong quý III/2023, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với quý trước do các công ty đều tập trung vào trả nợ.

Tổng lợi nhuận hoạt động vẫn đang bị chi phí tài chính “ăn mòn”, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất chính sách nhiều lần kể từ tháng 3, cũng như việc lãi suất huy động đã trở lại mức trước Covid-19.

Thực tế, ở thời điểm hiện tại, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang trên đà giảm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại hầu hết nhà băng đều dưới 6%/năm. Dù vậy, tốc độ giảm lãi suất cho vay vẫn còn khá chậm. Theo lý giải từ người trong ngành, tăng trưởng tín dụng toàn ngành từ đầu năm nay đến nay không cao cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao từ cuối năm 2022 và quý đầu năm 2023.

Tín dụng vẫn đang chảy chậm do nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao, vì sức tiêu thụ của thị trường còn yếu, đầu ra gặp khó. Theo cập nhật mới nhất từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, con số tăng trưởng tín dụng mới tăng 7,1% so với cuối năm 2022, đi được nửa chặng đường đề ra khi chỉ còn 2 tháng nữa sẽ khép lại năm 2023.

Chuyên gia phân tích từ VNDirect kỳ vọng, trong những quý tới, chi phí lãi vay sẽ giảm do các ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay kể từ quý III vừa qua. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới giảm khoảng 200 - 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022. Mức giảm cao hơn mục tiêu đề ra (giảm khoảng 150 điểm cơ bản). Lãi suất cho những khoản vay hiện tại có tốc độ giảm chậm hơn do độ trễ với lãi suất huy động. Mức lãi suất trung bình (tính chung khoản vay mới và cũ) của một số ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng ghi nhận giảm mạnh như VCB (5,94%, giảm 175 điểm cơ bản so với cuối năm 2022), hay BIDV (6,46%, giảm 259 điểm cơ bản)...

Tin bài liên quan