Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.
Sáng 11/10, trong phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân đánh giá cao Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ, các giải pháp; huy động được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Giải ngân vốn đầu tư công; thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tuy chưa đạt kế hoạch nhưng đều cao hơn cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng lãi suất ngân hàng cả tiền gửi và tiền cho vay theo xu hướng giảm, cơ bản giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam. Vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân và doanh nghiệp được bảo đảm, Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo.
Song, theo báo cáo, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề. Như, kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và thiếu tính ổn định, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lớn. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế; trong khi các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất và lợi ích thực sự mang lại cho việc nâng cao nội lực sản xuất cũng như thu nhập của người Việt Nam không nhiều, lợi nhuận chính chảy ra nước ngoài.
Hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp còn thấp, chỉ số quay vòng vốn chỉ đạt 0,6 lần; chỉ số nợ toàn bộ khu vực doanh nghiệp khá cao, (số nợ bình quân khu vực doanh nghiệp gấp 2,1 lần vốn tự có, trong đó doanh nghiệp nhà nước gấp 3,6 lần, doanh nghiệp ngoài nhà nước gấp 2 lần, doanh nghiệp FDI gấp 1,6 lần) cũng là vấn đề khiến cử tri băn khoăn, lo lắng.
Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất giảm nhưng vẫn khó vay được vốn; giá cả vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất còn cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Doanh nghiệp chưa thật sự yên tâm để phục hồi sản xuất kinh doanh, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc phản ánh.
Theo báo cáo, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm tháo gỡ những khó khăn về vốn, thị trường xuất khẩu, thủ tục hành chính; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động ; tăng - giảm giá xăng dầu theo lộ trình, bình ổn giá phù hợp với từng giai đoạn.
Có giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tín dụng để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay ; tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024, tháo gỡ khó khăn giúp cho doanh nghiệp, người dân vay vốn từ các gói hỗ trợ của nhà nước để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa .
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi và đồng tình với kết quả xét xử 54 bị can trong vụ án các chuyến bay giải cứu; cùng với xử lý kỷ luật bằng pháp luật, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, có cả lãnh đạo cấp cao, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.
Song, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, trăn trở, bởi tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày một tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai, thậm chí xảy ra ngay ở một số cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tập trung siết chặt kỷ cương, kỷ luật, rà soát pháp luật để bịt các kẽ hở; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, bổ sung quy định về xử lý tài sản không giải trình hợp lý; tăng cường cơ chế giám sát của xã hội.
Cử tri và nhân dân cũng mong muốn các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
Có cơ chế pháp luật xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực đã thực hiện kiểm tra, thanh tra không phát hiện sai phạm nhưng sau đó bị cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, truy tố, xét xử...; mặt khác, có chính sách khoan hồng, giảm tội cho các cá nhân vi phạm nhưng không mang tính chất vụ lợi, tạo cơ hội cho họ khắc phục sai phạm.
Tại dự thảo báo cáo, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với cơ quan chức năng cho kiểm tra, thanh tra toàn diện việc nhập khẩu đỗ tương để sản xuất thức ăn gia súc bị một số cá nhân lợi dụng đem sản xuất thức ăn cho người. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.