Doanh nghiệp chưa quan tâm cơ chế kiểm soát nội bộ

Doanh nghiệp chưa quan tâm cơ chế kiểm soát nội bộ

(ĐTCK) Kết quả khảo sát vừa công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp hầu như không quan tâm nhiều tới việc áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng chống tham nhũng và góp phần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm nghiên cứu), kết quả nghiên cứu thu được từ gần 280 doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát cho thấy, phần lớn DN chưa hiểu đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. 50% các DN trả lời đúng khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử, cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN, nhưng thực tế thực hiện còn chưa chuẩn mực.

Đặc biệt, trong vấn đề tuân thủ các chính sách của nhà nước, tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn, 10 - 15% số DN trả lời có vi phạm như mua bán hàng không hóa đơn; 30% có sai phạm trong quản trị nhân sự như không ký hợp đồng lao động, không trả bảo hiểm cho người lao động. Một số thông lệ tốt trong quản trị DN được ứng dụng phổ biến không được áp dụng dẫn tới hoạt động kiểm soát nội bộ kém hiệu quả, không minh bạch thông tin...

Cũng theo khảo sát, trong quan hệ giữa DN với đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn. Trong đó, mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được “ngụy trang” dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25 - 30% trong các giao dịch kinh doanh. Ngoài ra, có tới hơn 1/3 số DN được hỏi cho biết không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Việc chi trả chi phí không chính thức gia tăng áp lực cho các DN khác cũng phải làm tương tự để có thể tham gia cuộc chơi.

“Thực trạng tuân thủ còn rất hạn chế này của các doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi đáng lo ngại, đó là liệu doanh nghiệp có nhận thức được các vi phạm kể trên để hạn chế và không lặp lại”, ông Thắng nêu vấn đề và chia sẻ thêm, 72% số DN khảo sát khẳng định có trả chi phí không chính thức. Đây là con số rất lớn cho thấy tần suất vi phạm khá cao. Hầu hết các DN đều coi trả chi phí không chính thức cho nhà nước là biện pháp khá hiệu quả để thực hiện công việc và trở thành thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam.

Đặc biệt, một vấn đề rất đáng quan tâm là nhóm DN nhỏ và vừa hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu trước mắt mà không cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu áp dụng kiểm soát nội bộ để đảm bảo tính hiệu quả của quản trị DN và phát triển bền vững.

Bình luận về tình trạng này, đại diện công ty PwC cho rằng, đây là một hiện trạng đáng lo ngại bởi nó sẽ tác động trực tiếp tới quan hệ đối tác của DN, từ đó ảnh hưởng tới uy tín cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất lâu dài.

“Nhiều DN là khách hàng của chúng tôi đã từ chối ký hợp đồng với các khách hàng là những công ty không có cơ chế kiểm soát nội bộ để đảm bảo quản trị DN. Do đó, các DN cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này”, đại diện PwC khuyến nghị.

Đồng quan điểm, ông Brook Horowitz, Tổng giám đốc Diễn đàn các nhà lãnh đạo DN quốc tế (IBLF Global) cho rằng, các DN đa quốc gia luôn nhấn mạnh họ không ký hợp đồng trực tiếp với DN Việt Nam mà chủ yếu thông qua công ty trung gian có hoạt động tại Việt Nam. Động thái này cho thấy sự thận trọng của các DN đa quốc gia với các rủi ro hối lộ cao tại Việt Nam. Đây cũng chính là khó khăn mà các DN nhỏ và vừa hiện nay phải đối mặt nếu không ứng dụng cơ chế kiểm soát nội bộ.

Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam có quy mô lớn và có hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài hoặc thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thường có nhận thức tốt hơn về các quy định tuân thủ và chống hối lộ theo thông lệ tốt quốc tế.

Chẳng hạn, Vinamilk đã ban hành bộ quy tắc ứng xử năm 2009 tại thời điểm DN này chuẩn bị tham gia niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore. Vinamilk đồng thời là công ty đạt điểm tuyệt đối 100% về mức độ minh bạch trong số 20 DN lớn nhất Việt Nam theo báo cáo công khai thông tin DN do Tổ chức hướng tới minh bạch thực hiện năm 2017.

Ngoài Vinamilk, FPT cũng là một trong những tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam được đánh giá cao trong danh sách này.

Tin bài liên quan