Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC, mã chứng khoán HCM) cho biết, HSC đã lên phương án nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu HCM và sẽ thực hiện trong tháng 9, vì việc nới room cho khối CTCK được áp dụng ngay khi Nghị định 60 có hiệu lực. Hiện HSC đang hoàn tất thủ tục để đăng ký tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).
Theo đại diện HSC, UBCK đang tạo điều kiện để các CTCK nới room, nếu hồ sơ hợp lệ thì các CTCK sẽ được UBCK đồng ý chấp thuận cho nới room, mà không phải chờ thông tư hướng dẫn như các ngành khác.
Cùng với HSC, CTCK Sài Gòn (SSI) là một trong ít CTCK đã kịch room 49% cho khối ngoại, nên SSI đang lên kế hoạch để thực hiện nới room theo Nghị định 60. SSI chia sẻ, mục tiêu của Công ty là tăng cường tính toàn cầu hóa để gia tăng sự độc lập và kiểm soát từ nhiều nhóm cổ đông.
Không chỉ khối CTCK, một số DN ở lĩnh vực khác cũng rục rịch lên kế hoạch nới room. CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) cho hay, Công ty sẽ xin ý kiến ĐHCĐ thông qua việc mở room đến 60% vốn điều lệ khi quy định pháp luật cho phép. Theo CII, do giới hạn về tỷ lệ sở hữu nên thời gian qua, việc huy động vốn cổ phần trực tiếp giữa CII với các NĐT nước ngoài thông qua hình thức đầu tư vào công ty mẹ gặp khó khăn.
HĐQT CII vừa ra nghị quyết về việc mua lại lượng cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi của Goldman Sachs nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành trong thời gian tới. Điều này có nghĩa, CII sẽ không phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Có thể trước mắt, CII cũng như nhiều DN khác sẽ không nới room tối đa cho NĐT nước ngoài để huy động thêm vốn, nhưng pháp luật cho phép nới room là cơ hội lớn đối với các DN Việt. Theo kế hoạch, trong tháng 8, tháng 9/2015, CII sẽ gặp gỡ các NĐT tại một số tổ chức nước ngoài để đàm phán về việc huy động vốn.
FPT cho biết, có nhiều quỹ đầu tư liên hệ với Công ty hỏi về tình hình nới room, tuy nhiên, FPT là tập đoàn đa ngành nên đang chờ những hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan quản lý.
Dù các DN niêm yết đã có những bước chuẩn bị cho kế hoạch nới room, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu không sớm có các văn bản hướng dẫn thì DN không thể thực hiện. Bởi lẽ, hầu hết các DN đều đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề, do vậy, tỷ lệ room sẽ tính theo ngành nghề đăng ký hay ngành nghề thực tế hoạt động?
Ngoài ra, việc xác định các DN mà NĐT nước ngoài được phép đầu tư 100%, hay bị hạn chế đầu tư là không dễ dàng. Khi có các văn bản hướng dẫn cụ thể, quyết sách nới room sẽ kích thích dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam.