Ảnh Dũng Minh

Ảnh Dũng Minh

Doanh nghiệp chờ hộ chiếu vắc-xin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Hộ chiếu vắc xin”, chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 đang được nhiều doanh nghiệp mong chờ triển khai.

Ngày 14/1/2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành hỏa tốc công văn yêu cầu quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm thời gian cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày, thậm chí có thể kéo dài đến 21 ngày. Quy định này không loại trừ các đối tượng là chuyên gia, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Sự quyết liệt này nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhìn từ phía doanh nghiệp, mỗi ngày các chuyên gia, đối tác bị cách ly đều ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các đơn vị.

Ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc Khối phát triển kinh doanh FPT Software cho rằng, không riêng FPT mà tất cả doanh nghiệp có kết nối giao thương nước ngoài đều đang gặp khó khăn trong quá trình đưa các chuyên gia, đối tác vào Việt Nam.

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê chia sẻ: “Chuyên gia nước ngoài đưa về sẽ phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly, do vậy, chúng tôi buộc phải chuyển giao công nghệ dưới hình thức online. Dù đã rất cố gắng, song bên kỹ thuật vẫn chưa thể hoàn thiện quy trình, máy móc một cách quy chuẩn nhất. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm của Công ty”.

Rõ ràng, nếu thực hiện đủ thời gian cách ly từ 14 đến 21 ngày, câu chuyện nắm bắt cơ hội và theo kịp thị trường của các doanh nghiệp sẽ trở nên chông gai hơn bao giờ hết.

Lúc này, “hộ chiếu vắc xin” được doanh nghiệp coi như công cụ hữu hiệu để chứng minh tình trạng sức khỏe, vượt qua rào cản này khi nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho công dân, còn Việt Nam, những liều vắc-xin đầu tiên đã được tiêm vào ngày 8/3/2021.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã có buổi gặp gỡ doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ bổ sung với doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước kỳ vọng của các doanh nghiệp về hộ chiếu vắc-xin, Thứ trưởng cho biết: “Hiện nay, nước ta có hỗ trợ chuyên gia cùng thân nhân nhập cảnh, nhưng vẫn phải cách ly đủ 14 đến 21 ngày. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự linh hoạt trong một số trường hợp hết sức đặc biệt và phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, chứng thực tình trạng sức khỏe có thể rút ngắn thời gian cách ly. Đối với những đối tác, dự án lớn, Chính phủ và Bộ Ngoại giao luôn có phương thức linh hoạt phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho công tác đối ngoại”.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ phục hồi hoạt động giao thương, du lịch nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tốc độ triển khai vắc-xin, sự phối hợp giữa các nước về thủ tục đi lại và tình hình kinh tế.

Chủ tịch Nhựa Pha Lê Mai Thanh Phương cũng kỳ vọng, nếu triển khai thành công hình thức chứng thực này, hai quý cuối năm sẽ là khoảng thời gian doanh nghiệp có thể tăng trưởng bù đắp cho giai đoạn trước.

Theo một kịch bản kinh tế được đặt ra, đến tháng 6/2022, Việt Nam mới có thể từ từ mở cửa, tiến tới bình thường giao thương quốc tế. Nếu kịch bản này đi vào hiện thực, bản thân các doanh nghiệp sẽ phải mất thêm thời gian để đón chuyên gia vào nước và kế hoạch triển khai dự án bị kéo dài. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang phải đóng băng hoạt động.

Hộ chiếu vắc-xin cho biết người nhập cảnh không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, ít nhất là tại các quốc gia cho phép người đã tiêm phòng được di chuyển, làm việc tự do. Tuy nhiên, đến nay, hộ chiếu vắc-xin vẫn gây ra khá nhiều tranh cãi khi vắc-xin ngừa Covid-19 chưa được phổ biến rộng rãi, nhất là ở những nước nghèo. Bởi điều này vô hình trung tạo ra sự phân biệt đối xử giữa công dân các quốc gia.

Tin bài liên quan