Doanh nghiệp chịu sức ép khi vốn nhà nước đắt hàng

Doanh nghiệp chịu sức ép khi vốn nhà nước đắt hàng

(ĐTCK) Các đợt bán vốn sắp tới của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kỳ vọng sẽ “được giá” như trường hợp tại VNM, qua đó SCIC đạt hiệu quả thoái vốn ở mức cao, nhà đầu tư ngắn hạn theo “game” thoái vốn có mức sinh lời tốt, nhưng doanh nghiệp (DN) có những sức ép nhất định.

Chào giá cạnh tranh, Doanh nghiệp không được chọn NĐT chiến lược

Theo kế hoạch, SCIC sẽ tiếp tục bán vốn tại 5 công ty gồm Vinaconex (VCG), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), Domesco (DMC) và FPT. Hiện SCIC đang sở hữu 21,79% cổ phần VCG, 37,1% cổ phần NTP, 29,51% cổ phần BMP, 34,71% cổ phần DMC và 5,96% cổ phần FPT. Từ ngày 27/11 - 1/12, SCIC sẽ lần lượt công bố giá khởi điểm mỗi cổ phần thoái vốn.

Trong số các DN trên, DMC, BMP và NTP có tỷ lệ bán vốn lớn và cổ đông lớn nước ngoài đã hiện hữu. Trong khi đó, FPT có tỷ lệ bán nhỏ, còn VCG chỉ có một cổ đông lớn tổ chức là Quỹ đầu tư chỉ số Market Vectors Vietnam ETF, sở hữu 4,45% vốn, nên việc dự đoán đối tác tham gia đợt mua sắp tới trở nên khó khăn hơn.

Đa số các DN trên được coi là những DN đầu ngành, hoạt động cốt lõi tăng trưởng ổn định và được NĐT tổ chức nước ngoài quan tâm, tham gia đầu tư từ nhiều năm trước. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của những DN này được xếp vào nhóm blue-chips. Sau thông tin SCIC sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm 2017, các cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá ấn tượng.

Đại diện SCIC chia sẻ, kỳ vọng có thể thu về khoảng 8.000 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại 5 doanh nghiệp: VCG, NTP, BMP, DMC và FPT.   

Nhưng các DN có quy mô vốn lớn, nên để bán hết lượng cổ phần chào bán, cần sự góp mặt của các NĐT tổ chức nước ngoài, NĐT chiến lược, trong khi thị giá cổ phiếu hiện tại của các DN không còn rẻ. Mặt khác, các NĐT được đánh giá là có góc nhìn dài hạn hơn về tiềm năng tăng trưởng của DN.

Hiện tỷ lệ sở hữu tối đa (room) đối với NĐT nước ngoài tại NTP là 49%, nhưng dự báo sẽ được nới lên 100% sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 30/11 tới. Với VCG, DN này có ngành nghề kinh doanh bất động sản, nên room ngoại tối đa là 49%.

Tại FPT, theo đại diện FPT trả lời tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư mới đây, do một số lĩnh vực hoạt động của Công ty thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện như viễn thông, báo điện tử, cung cấp dịch vụ an toàn công nghệ thông tin…, nên vẫn đang hạn chế room ở mức 49%. Hiện tại, FPT đã kín room và như vậy, trong đợt thoái vốn của SCIC sắp tới, chỉ có NĐT trong nước được quyền tham gia.

Ở góc độ thị trường, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng tốt về mặt điểm số, dòng tiền chảy vào thị trường gia tăng từ năm 2016 đến nay, cộng thêm “hiệu ứng VNM”, nên thời điểm bán vốn dự báo thuận lợi. Mức giá bán có thể đạt hoặc vượt kỳ vọng đề ra.

Bên cạnh đó, việc tổ chức bán đấu giá cạnh tranh cho thấy, cơ hội mở ra cho tất cả NĐT, các cá nhân, tổ chức, trong nước hay nước ngoài. Đây là câu chuyện thị trường, giữa cung và cầu, là cuộc chơi thị trường sòng phẳng và công bằng.

NĐT trường vốn và có chiến lược riêng, đủ mạnh tại mỗi DN thoái vốn sẽ thể hiện được “quyền lực” của mình thông qua việc mạnh tay chi trả giá cao để giành phần thắng trong đợt đấu giá.

Thực tế trường hợp thoái vốn tại VNM cho thấy, trước đó, cổ đông lớn F&N được cho là ở thể chủ động, vừa sở hữu cổ phần lớn, vừa có nguồn lực tài chính, lại cùng ngành nghề (có thể hợp tác để đôi bên cùng thắng).

Tuy nhiên, trong đợt bán đấu giá vừa qua, xuất hiện quỹ đến từ Singapore, trở thành cổ đông mới tại VNM, do đặt mức giá cao nhất. Có thể nói, khi NĐT mạnh về tài chính, đặt kỳ vọng lớn vào DN, họ chấp nhận trả giá cao, vấn đề là có “hàng tốt” để bán hay không.

Ngược lại, phương thức thoái vốn như trên góp phần tối ưu cho việc thoái vốn của SCIC, nhưng DN sẽ không thể chủ động trong việc lựa chọn NĐT chiến lược. Vấn đề này được nhiều NĐT đặt câu hỏi rằng, đối với đợt thoái vốn BMP, NTP, DMC sắp tới, có tiêu chí lựa chọn nào dành riêng cho NĐT chiến lược hay không? Đại diện SCIC cho biết, chào giá cạnh tranh, tức không có NĐT nào được ưu tiên riêng.

Doanh nghiệp được gì khi vốn nhà nước đắt hàng?

Ngoài ra, vốn nhà nước đắt hàng, tức đạt mức giá cao, DN không được lợi gì về mặt vật chất, nhưng lợi ích qua đợt thoái vốn là hình ảnh của DN tăng lên. Tuy nhiên, điều này khiến DN gặp áp lực trong việc nỗ lực hơn nữa để kết quả kinh doanh theo kịp mức kỳ vọng của NĐT, thể hiện qua giá cổ phiếu của chính DN.

Đáng chú ý, khi cổ đông lớn hiện hữu gia tăng sở hữu, hoặc có cổ đông mới tham gia như trường hợp VNM, DN có khả năng phải chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu Hội đồng quản trị, Ban điều hành, điều này có thể ảnh hưởng tới chiến lược hoạt động của DN.

Trong số các DN mà SCIC sắp thoái vốn, không ít đơn vị đã cổ phần hóa từ lâu, có “kinh nghiệm” trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, thay đổi trong cơ cấu quản trị. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện nay đã khác, câu chuyện cạnh tranh cũng được nâng tầm cao hơn, nhiều kỳ vọng các DN sẽ vượt qua, nhưng vẫn có những ý kiến quan ngại. Mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn khi kết quả đấu giá được công bố. Trên thực tế, kể cả khi có những cổ đông lớn hoạt động cùng ngành nghề, nhưng mức tương tác là khác nhau ở mỗi DN.

Chẳng hạn, trường hợp cổ đông đến từ Thái Lan Nawaplastic Industries (Nawa), trước đây là cổ đông lớn của cả BMP và NTP (mới đây, Nawa đã thoái hết vốn tại NTP) cũng có những sự “hỗ trợ” khác nhau.

Cụ thể, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị NTP chia sẻ, trong thời gian Nawa là cổ đông lớn, NTP “tranh thủ” học tập được công nghệ sản xuất, năng lực quản trị DN và nhiều lần tổ chức qua công ty mẹ ở Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm. NTP còn được hưởng lợi về nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào từ cổ đông lớn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP cho biết, cổ đông lớn cử người tham gia Hội đồng quản trị BMP, nhưng Công ty chưa nhận được giá trị đáng kể nào. Dù vậy, Nawa là nhà cung cấp nguyên liệu và BMP là khách hàng lớn của Nawa ở Việt Nam nên khi vừa là cổ đông, vừa là nhà cung ứng, BMP có lợi thế hơn trong đàm phán giá nguyên liệu.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về sự chuẩn bị của DN trong trường hợp cổ đông lớn gia tăng sở hữu lên mức chi phối, hoặc xuất hiện cổ đông mới, ông Ngân cho hay, cần đợi kết quả đấu giá. Hiện tại, Công ty vẫn đang hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường.

Với NTP, ông Phúc cho biết, trước hết, DN sẽ phải loại bỏ 2 ngành nghề kinh doanh bất động sản và vận tải để có thể nới room lên 100%. Thứ hai, sau khi cổ đông lớn Nawa thoái vốn, họ đã có đơn xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị BMP nên trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tới đây, Đại hội sẽ thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên.

Về cổ đông lớn Nhật Bản (vừa qua nhận chuyển nhượng 10% cổ phần NTP trong đợt Nawa thoái 23,84% vốn), ông Phúc chia sẻ, Công ty muốn mời đối tác này tham gia Hội đồng quản trị NTP nhằm học tập, nâng cao năng lực quản trị. Đặc biệt, cổ đông Nhật Bản là DN sản xuất đầy đủ chủng loại trong ngành nhựa, với nhiều sản phẩm có thể mạnh như sản phẩm van, phụ tùng.

Do vậy, NTP kỳ vọng có thể học được công nghệ sản xuất, đưa các sản phẩm mới, tốt vào thị trường Việt Nam. NTP chưa rõ ý muốn của cổ đông lớn trong đợt SCIC thoái vốn sắp tới, nhưng Công ty mong muốn họ sẽ gia tăng sở hữu, qua đó gắn kết chặt chẽ hơn với DN.

Với DMC, bà Lương Thị Hương Giang, Tổng giám đốc DMC cho biết, đến thời điểm hiện tại, cổ đông lớn của Công ty chưa bày tỏ ý kiến. Đây là một trong những thông tin “mật”, thuộc về định hướng chiến lược của cổ đông lớn, nên rất khó trả lời.  

Tin bài liên quan