Doanh nghiệp chi bộn tiền cho quảng cáo truyền hình

Doanh nghiệp chi bộn tiền cho quảng cáo truyền hình

60% quảng cáo từ công ty nước ngoài, dẫn đầu là Unilever và Procter & Gamble, tuy nhiên một số doanh nghiệp khác cũng có những sự đầu tư đáng kể.

Các nghiên cứu, khảo sát từ nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho thấy bất chấp kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp vẫn chi tiền cho quảng cáo trên truyền hình, với mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Thị trường quảng cáo trên truyền hình, theo một chuyên gia trong ngành quảng cáo không muốn nêu tên, có giá trị khoảng 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2011. Nửa đầu năm 2012, theo một nghiên cứu của công ty Kantar Media, các doanh nghiệp đã chi gần 370 triệu đô la Mỹ cho quảng cáo trên truyền hình.

 

Một khảo sát nhanh của một công ty nghiên cứu thị trường khác về các mẫu quảng cáo (TVC) được phát trên kênh truyền hình VTV3 trong khoảng thời gian từ 20 đến 22 giờ ngày 24/8, cho kết quả có đến 112 lượt TVC của 48 nhãn hiệu, trong đó 9 nhãn hiệu xuất hiện 4 lần.

 

Cũng theo khảo sát này, 60% các mẫu quảng cáo đó là từ các công ty nước ngoài, 40% còn lại là của công ty trong nước. Dẫn đầu vẫn là hai tên tuổi đa quốc gia trong ngành tiêu dùng, Unilever và Procter & Gamble, tuy nhiên một số doanh nghiệp khác cũng có những sự đầu tư đáng kể.

 

Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường JFK về thị phần của các công ty điện tử tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm so với 2011, thị phần của Samsung đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, tăng từ 28,6% lên 32,9%. Để đạt được kết quả này, Samsung đã chi một khoản tiền rất lớn cho quảng cáo.

 

Nhiều công ty Việt Nam chịu đầu tư mạnh vào các TVC và chi mạnh cho quảng cáo như Tân Hiệp Phát trong ngành giải khát, hay các hãng đông dược và thực phẩm chức năng. Mức tăng 30% doanh số quảng cáo trên truyền hình trong nửa đầu năm 2012 này là khá ấn tượng, hơn gấp hai lần so với tốc độ của cả thị trường năm 2011.

 

Trong khi đó, quảng cáo trên các phương tiện khác như phát thanh, nhật báo và tuần báo, theo kết quả khảo sát của Kantar, đều giảm. Giảm mạnh nhất là quảng cáo trên phát thanh với -15%, tiếp theo là nhật báo với mức gần -13%, và cuối cùng là tuần báo với -2,3%.