Một trong những văn bản điển hình cho tình trạng này, được Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, là Nghị định 81/2018/NĐ-CP về xúc tiến thương mại.
Với việc mở rộng thêm hàng loạt yêu cầu về mẫu biểu và thủ tục không có tác dụng quản lý hành chính, văn bản này bị các doanh nghiệp đánh giá là một bước lùi lớn trong cải cách thủ tục hành chính.
Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, mặc dù Nghị định 81 quy định hồ sơ thông báo thực hiện khuyến mại chỉ cần một bản khai theo một mẫu, nhưng lại yêu cầu phải nộp thêm các thoả thuận, hợp đồng khi nhiều thương nhân phối hợp thực hiện hoạt động khuyến mãi. Ngoài ra, hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại cũng có yêu cầu thêm thành phần.
“Với quy định kiểu này, doanh nghiệp phân phối qua hàng trăm, hàng nghìn đại lý phải nộp hợp đồng, thoả thuận với từng đại lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, Nghị định 81 cũng yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm biên bản thực hiện phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng. Quy định này khiến doanh nghiệp buộc phải thực hiện thêm công đoạn lập biên bản mỗi lần có khách hàng trúng thưởng. Theo các doanh nghiệp, điều này rất vất vả khi số lượng khách hàng trúng thưởng lớn. Ví dụ, một chương trình khuyến mãi với phần quà là 10.000 que kem thì doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị… 10.000 biên bản trúng thưởng để nộp kèm!
Chưa kể, với việc quy định thêm yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo việc đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp đang lo ngại Nghị định 81 phát sinh thêm khá nhiều thủ tục hành chính và bổ sung thêm nhiều thành phần hồ sơ không cần thiết, gây tốn kém cho doanh nghiệp và nhiều khi là không thể thực hiện được trong quá trình triển khai.
Một ví dụ khác về “cài cắm” điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua là quy định về trần khuyến mại. Các doanh nghiệp từng khốn khổ vì quy định mức trần giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại, mức giảm giá khi khuyến mại cũng không được vượt quá 50% (tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại).
Sau đó, Nghị định này đã bị thay thế bởi Nghị định 81/2018/NĐ-CP, dù chưa trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, song đã mở rộng hơn mức giới hạn này. Tuy nhiên, đi ngược lại nỗ lực nới lỏng trên, ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông lại ban hành Thông tư 47/2017/TT-BTTTT, trong đó có quy định trần khuyến mại đối với dịch vụ của thuê bao thông tin di động trả trước không được vượt quá 20%, lại trở thành một điều kiện hạn chế doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, quy định này đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà mạng trong việc phục vụ người tiêu dùng và về lâu dài sẽ cản trở sự gia nhập và chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp nhỏ.
Đặc biệt, VCCI cũng cho rằng, quy định này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích đáng kể của hàng triệu người tiêu dùng, đi ngược lại chủ trương thuận lợi hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy luật thị trường.
Nhiều quy định khác cũng được VCCI chỉ ra là đặt thêm rào cản với doanh nghiệp, như nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ Giao thông Vận tải và mới đây nhất là dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, trong đó đưa ra một số đề xuất chính sách can thiệp quá sâu vào hoạt động cạnh tranh thuộc quyền tự quyết của các doanh nghiệp trong khi chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ. Rất may là quy định này đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sớm “tuýt còi”.
“Điều này cho thấy với tư duy chủ đạo trong hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước khi đề xuất xây dựng chính sách vẫn coi doanh nghiệp như tội đồ, cần phải siết chặt quản lý thì việc cởi bỏ rào cản điều kiện kinh doanh để mở đường thực sự cho doanh nghiệp xem ra còn rất trường kỳ gian nan”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO bình luận.
Còn ông Nguyễn Văn Công, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas bức xúc cho rằng, nếu tư duy cải cách của cơ quan nhà nước còn “trống đánh xuôi kèn thổi ngược" như vậy thì doanh nghiệp sẽ khó có thể trụ vững.
“Nhiều khi thời gian sửa sai một văn bản còn dài hơn tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã chết ấm ức bởi những văn bản như vậy”, ông Công nói.