Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp bức xúc với một số điều kiện kinh doanh được đưa ra trong các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp bức xúc với một số điều kiện kinh doanh được đưa ra trong các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp chết mòn vì điều kiện kinh doanh

Kiểu “cắt dán” các điều kiện từ thông tư lên nghị định đang khiến doanh nghiệp không còn quá mong chờ vào ngày 1/7/2016 - thời điểm hàng ngàn điều kiện kinh doanh sẽ hết hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư. Chưa có sự thay đổi nào rõ nét về tư duy quản lý nhà nước với các điều kiện kinh doanh.

“Không muốn chết vì cơ chế”

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, đại diện Công ty TNHH VN Gas Daklak đã đáp chuyến bay sớm để ra Hà Nội vào ngày 13/6 vừa rồi. Điểm đến là Hội nghị “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Trong hành lý của bà có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Eakar, Ban quản lý Cụm công nghiệp Eakar (huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) liên quan các quy định mới của Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 về kinh doanh khí. Bà muốn chuyển đơn này đến VCCI, từ đó đến được Bộ Công thương và Chính phủ.

“Công ty tôi thành lập năm 2014, đã có đủ điều kiện để được phép chiết nạp thuê và phân phối khí hóa lỏng theo quy định của Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Nhưng Nghị định 19/2016/NĐ-CP vừa ra đời đã thay đổi rất lớn về điều kiện kinh doanh. Theo quy định mới này, Công ty chúng tôi muốn trở thành thương nhân kinh doanh khí đầu mối phải đăng ký thương hiệu riêng, có ít nhất 100.000 vỏ bình và kho chứa 300 m3. Để đạt được, chúng tôi sẽ phải đầu tư thêm 100 tỷ đồng. Đây là khoản tiền quá sức với doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi”, bà Hải nói.

Công ty cũng đã tính toán, căn cứ vào tình hình tiêu thụ của huyện Eakar, dân số thưa thớt, thì việc đầu tư trên là lãng phí. “Nhưng nếu không đầu tư, không thỏa mãn điều kiện kinh doanh, thì chúng tôi sẽ buộc phải bán nhà máy cho các thương nhân đầu mối khác. Khi chúng tôi bắt đầu đầu tư vào năm 2014, không có cơ quan nào nói về điều này”, bà Hải bức xúc khi trao đổi với phóng biên Báo Đầu tư.

"Chúng tôi chấp nhận bị phá sản nếu không đủ sức cạnh tranh, chứ không muốn bị chết vì cơ chế thay đổi" - ông Lê Văn Bình, đại diện Công ty TNHH Minh Chánh T.B.

Điều đáng nói là, bà Hải không đi một mình. Khoảng 20 người, đại diện cho 20 doanh nghiệp kinh doanh khí như bà đã cùng có mặt tại hội thảo trên để cùng lên tiếng. Trong số đó, có Công ty Đông Tùng (Hà Giang), Công ty Gas Tấn Tài (Đồng Nai), Công ty Tiến Phát (Quảng Ngãi), Công ty Minh Chánh T.B (Bình Định)…

“Nhờ Nghị định 19/2016/NĐ-CP mà chúng tôi biết nhau. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều. Có doanh nghiệp đã hoạt động cả chục năm, đã có thương hiệu, uy tín. Chúng tôi chấp nhận bị phá sản nếu không đủ sức cạnh tranh, chứ không muốn bị chết vì cơ chế thay đổi. Chúng tôi muốn nói điều này với cơ quan chức năng”, ông Lê Văn Bình, đại diện Công ty TNHH Minh Chánh T.B lý giải sự có mặt của họ.

Câu hỏi đành để ngỏ

4 câu hỏi của các doanh nghiệp kinh doanh khí đưa ra tại Hội thảo đành gửi lại cho VCCI, khi đại diện Bộ Công thương dù được mời, nhưng không có mặt. Mọi người đang bấu víu vào lời đề nghị của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc về việc tổ chức cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh khí và đại diện Bộ Công thương.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công thương để tổ chức cuộc đối thoại về vấn đề này trước ngày 1/7 tới”, ông Lộc cam kết.

Không riêng các doanh nghiệp kinh doanh khí, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc (Hà Nội) cũng đành gửi lại câu hỏi ông muốn gửi tới Bộ Công thương về việc nâng các điều kiện của Thông tư 20/2011/TT-BCT về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống chưa qua sử dụng.

“Với quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT, chúng tôi không nhập được xe nữa, dù trước đó đã mất chi phí làm thương hiệu. Chỉ có các hãng đặt đại lý tại Việt Nam ung dung bán hàng mà không mất nhiều tiền làm thị trường. Giá xe thì tăng dần đều vì các hãng độc quyền. Như vậy, Thông tư 20/2011/TT-BCT đang bảo vệ ai? Chúng tôi mong Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe và thấu hiểu, vì chúng tôi đã kiến nghị nhiều rồi. Nếu không được, chúng tôi đành phải giải tán”, ông Tuấn nói.

Tương tự, ông Ngô Việt Hòa, chuyên gia thương mại cũng để lại bài phân tích khá chi tiết gửi Bộ Công thương, làm cơ sở cho kiến nghị bỏ ngành nghề kinh doanh nhượng quyền thương mại ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Nhượng quyền là một phương thức kinh doanh, hơn là ngành nghề kinh doanh. Các hệ thống nhượng quyền hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đã chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực đó. Ví dụ, các cơ sở kinh doanh nhà hàng hay cơ sở giáo dục hoạt động theo mô hình nhận quyền thương mại đã phải tuân thủ các quy định liên quan đề hoạt động kinh doanh của hai ngành này. Nếu áp nhượng quyền là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vô hình trung buộc người kinh doanh lĩnh vực này chịu hai lần điều kiện kinh doanh phải đáp ứng…”, ông Hòa phân tích.

Tại hội nghị này, một số bộ, ngành đã có mặt, như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an… Tuy nhiên, không thấy đại diện của bộ nào lên tiếng.

Cũng phải nói thêm, trong báo cáo mang tính nhận diện về điều kiện kinh doanh của VCCI, hàng loạt câu hỏi đã được các chuyên gia pháp luật của VCCI đặt ra khi phân tích các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh đang được trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Có thể kể tới các câu hỏi như vì sao tờ trình nói là nội dung quy định đã đủ, nhưng Dự thảo Nghị định về kinh doanh mũ bảo hiểm lại bổ sung điều kiện kinh doanh mới; tại sao quy định điều kiện kinh doanh khi hoạt động mua bán nợ vẫn chưa phát triển…; tại sao Dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh lĩnh vực tài nguyên môi trường lại quy định ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ việc này.

“Tôi vẫn nhìn thấy công chức không tin doanh nghiệp, vẫn ấn tượng trong đầu là doanh nghiệp có thể làm tất cả vì lợi nhuận. Nếu vẫn nghĩ thế thì sẽ không thể có những văn bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh được”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng nói.

Ý kiến - nhận định

Chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch.

- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI)

Doanh nghiệp đã nói với chúng tôi rằng, họ không sợ điều kiện kinh doanh, mà chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch. Việc soạn thảo các quy định về điều kiện kinh doanh phải được lấy ý kiến cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, phải đánh giá tác động để tính chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới cũng như có bao nhiêu doanh nghiệp đang tồn tại đáp ứng quy định mới. Các công việc này cần được công khai. Với doanh nghiệp, minh bạch là quan trọng nhất.

Tránh tình trạng điều kiện kinh doanh trá hình.

- Ông Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico

Theo quy định tại các khoản 1 và 2, Điều 3 về giải thích từ ngữ của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, thì tiêu chuẩn do một tổ chức công bố để tự nguyện áp dụng, còn quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Thế nhưng, quy định về “điều kiện kinh doanh” và “quy chuẩn kỹ thuật” đều có chung ít nhất 2 mục tiêu là bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn sức khỏe. “Điều kiện kinh doanh” thì không thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, còn “quy chuẩn kỹ thuật” lại chỉ thuộc thẩm quyền của các bộ. Vì vậy, cần phải đặc biệt quan tâm xử lý để tránh tình trạng điều kiện kinh doanh trá hình kiểu ốc mượn hồn, biến điều kiện kinh doanh thành quy chuẩn kỹ thuật một cách trái luật.

Điều kiện kinh doanh phải phù hợp với thực tế.

- Ông Trần Anh Đức, đồng Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF)

Điều kiện kinh doanh phải phù hợp với thực tế. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, đã có hàng ngàn học sinh Việt Nam phải ra nước ngoài vì không có cơ hội học trường quốc tế tại Việt Nam, kéo theo một lượng ngoại tệ khổng lồ đã chảy ra nước ngoài. Một số học sinh Việt Nam phải đăng ký quốc tịch của nước láng giềng để đủ điều kiện được học trường quốc tế tại Việt Nam.

Thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có rất nhiều điều kiện hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông được quy định trong Nghị định 73/2012/NĐ-CP, kể cả giới hạn 10% và 20% học sinh Việt Nam trong các trường tiểu học và trung học phổ thông theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài.

Tin bài liên quan