Hiện tại, giá thịt lợn hơi đang dao động từ 65.000-80.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra ngoài thị trường đã cán mốc trên 200.000 đồng/kg. Bộ Công thương cho biết, giá thịt lợn tăng 25-30% từ cuối tháng 10 đến nay và đà tăng này sẽ còn kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm.
Sản lượng thịt lợn đã giảm 380.000 tấn từ đầu năm đến nay, tương đương mức giảm 9-10% so với năm 2018 chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên phạm vi toàn quốc khiến số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn, từ đó ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm trong nước.
Giá thịt lợn tăng cao khiến chi phí giá vốn của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng tăng theo. Để đảm bảo hiệu quả, không ít doanh nghiệp lĩnh vực này đã phải tăng giá thành phẩm, đồng thời điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.
Đơn cử, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan - mã VSN) đã điều chỉnh giảm kế hoạch tăng trưởng xuống 10% trong năm 2019 do tình hình thị trường có nhiều biến động, trong khi năm 2018 đạt mức tăng trưởng 19%.
Lãnh đạo Vissan cho biết, năm 2017 giá thịt heo xuống thấp, dẫn đến tình trạng người dân bán tháo và không tái đàn, nên sang năm 2018 giá heo tăng cao do thiếu nguồn cung.
Thêm vào đó, từ cuối năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh heo lở mồm long móng, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên cả nước càng khiến nguồn heo thiếu hụt trầm trọng.
“Đồng thời, người tiêu dùng có tâm lý ngại sử dụng thịt heo trong bối cảnh dịch bệnh phát triển, nên Công ty thận trọng với kế hoạch năm 2019 để phù hợp với tình hình thực tế”, vị lãnh đạo trên nói.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của Vissan cho thấy, giá vốn của thành phẩm và hàng hóa đạt 2.712 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó riêng chi phí nguyên liệu đầu vào là 2.132 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công cũng có sự gia tăng.
Năm 2019, Vissan đặt kế hoạch doanh thu 4.850 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2019, Vissan đạt 3.521 tỷ đồng doanh thu, 188 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 148 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Lãnh đạo Vissan chia sẻ, do giá thịt heo tăng mạnh, Công ty đã phải tăng giá thực phẩm chế biến từ thịt lợn, chẳng hạn tăng giá chả lụa 10% từ ngày 15/11/2019...
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất trong dịp kinh doanh cao điểm cuối năm, Vissan lên kế hoạch dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong thời gian 45 ngày và nhập khẩu thịt nếu có biến động.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu thịt heo hơi từ trang trại của Vissan mới chỉ đáp ứng 8% nhu cầu sản xuất, Công ty phải liên kết với các trang trại lớn bên ngoài để đảm bảo cung cấp phần còn lại. Để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, Vissan dự tính sẽ nâng khả năng tự cung cấp lên 20-30% vào năm 2025.
Tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, giá thịt lợn hơi đã được điều chỉnh tăng 500 đồng/kg vào ngày 3/12 vừa qua tại các kho ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, hiện dao động từ 65.000-75.000 đồng/kg.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện C.P Việt Nam cho biết, việc giá thịt lợn leo thang có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng không nhiều do doanh nghiệp sản xuất theo chu trình khép kín với 3 mảng chính là thức ăn chăn nuôi (Feed), trang trại chăn nuôi (Farm) và chế biến thực phẩm (Food).
“Do tổ chức chăn nuôi đồng đều theo tuần, nên số lượng heo cung cấp ra thị trường duy trì sự ổn định, hiện nguồn cung tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng năm, Công ty cung cấp heo thịt ra thị trường với sản lượng hơn 6 triệu con”, vị đại diện này thông tin.
Dự báo giá thịt lợn sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng sẽ khó khăn hơn trong tìm kiếm nguyên liệu đầu vào và phải chịu giá cao để nhập nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến dự báo, nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.
Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 con. Để bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, cần có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước.