Mất đơn hàng đang là nỗi lo của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Mất đơn hàng đang là nỗi lo của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Doanh nghiệp chế biến gỗ “gãy mộng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu thị trường xuất khẩu vẫn tích cực, song kim ngạch xuất khẩu gỗ đã giảm mạnh trước ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở trong nước.

Đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng

Ngày cuối cùng của tháng 8/2021, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt cho hay, Công ty đang tạm dừng sản xuất và không ghi nhận doanh thu cả tháng nay.

Gỗ Long Việt có nhà máy tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ông Việt kể, Công ty triển khai hoạt động “3 tại chỗ” từ ngày 9/7/2021 khi Bình Dương bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, với 300 công nhân trên tổng số 800 công nhân của Công ty.

Nhưng chỉ hơn hai tuần sau, ngày 26/7/2021, 248 công nhân bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Toàn bộ các công nhân bị nhiễm bệnh được đưa đến các bệnh viện điều trị, một số đi cách ly và kể từ đó, Công ty tạm dừng sản xuất.

Hiện tại, một số công nhân ở nhà máy đang làm hàng mẫu, sửa chữa, sắp xếp lại nhà xưởng, những công việc để người lao động được vận động là chính, chứ không tạo ra lợi nhuận. Gỗ Long Việt đã đàm phán với đối tác tại các thị trường Mỹ, châu Âu cho tạm dừng đơn hàng vì hoàn cảnh bất khả kháng và Công ty chưa bị đối tác phạt vi phạm hợp đồng.

Ông Việt tính toán, nếu ngày 15/9 tới hoặc đến hết tháng 9, doanh nghiệp được trở lại sản xuất thì mất tới 2 - 2,5 tháng không có doanh thu.

“Nếu tháng 10 trở lại hoạt động, nhà máy cũng chỉ vận hành được 60 - 70% công suất vì gặp tình trạng thiếu lao động. Nhiều công nhân về quê sẽ không quay lại làm việc, hoặc muốn quay lại cũng không được vì các vùng quê đó đang là vùng dịch, áp dụng Chỉ thị 16. Thêm một khó khăn nữa là đứt gãy đơn hàng, khách hàng có thể chuyển đơn sang một nước khác an toàn hơn”, ông Việt nói.

Không rơi vào tình huống phải tạm dừng sản xuất như Gỗ Long Việt, nhưng Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) chịu áp lực chi phí tăng mạnh.

Chúng tôi đang hoạt động chỉ với 25% số công nhân, có nghĩa là chỉ bằng 25% công suất trước kia, tuy vậy, mọi chi phí đều tăng rất cao.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF cho biết: “Chúng tôi đang hoạt động chỉ với 25% số công nhân, có nghĩa là chỉ bằng 25% công suất trước kia. Tuy vậy, mọi chi phí đều tăng rất cao, gồm chi phí xét nghiệm cho người lao động theo quy định, chi phí an ninh, ăn, ở, điện, nước cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”. Chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cũng tăng, chủ yếu do vận chuyển quá khó khăn”.

Theo ông Tín, việc đóng cửa, ngừng sản xuất sẽ đỡ gây thiệt hại hơn làm “3 tại chỗ”, nhưng nhà máy của TTF đang cố gắng duy trì sản xuất để giữ công nhân và khách hàng.

Trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước nằm ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM – khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Tình hình sản xuất tại Gỗ Long Việt và Gỗ Trường Thành đã phản ánh bức tranh hoạt động các doanh nghiệp sản xuất nói chung, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại khu vực này nói riêng. Đứt gẫy chuỗi cung ứng, khiến những nhà máy gỗ còn duy trì sản xuất cũng chỉ hoạt động ở mức 20 - 50% công suất so với trước thời điểm giãn cách xã hội.

Khó khăn sẽ hiện rõ trong báo cáo 2 quý cuối năm

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ đạt 9,26 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,44 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhưng từ tháng 7, tháng 8, xuất khẩu gỗ bắt đầu suy giảm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ tháng 7 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2020 và nửa đầu tháng 8 chỉ đạt 373,8 triệu USD (bằng 45,5% kim ngạch 15 ngày đầu tháng 7/2021). Dự báo, xuất khẩu gỗ còn tiếp tục giảm sâu trong nửa cuối tháng 8.

Tại TTF, ông Tín cho biết, Công ty vẫn xuất khẩu nhưng sản lượng ở mức thấp hơn rất nhiều so với trước thời điểm 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội.

Từ đầu năm 2021, lượng đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu tăng mạnh do kinh tế ở các nước này phục hồi và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Hầu hết các nhà máy sản xuất gỗ nội thất đã sớm kín đơn hàng cho năm 2021 và cả năm 2022.

Tình hình thị trường xuất khẩu đang rất tốt, nhưng TTF hiện đang phải đàm phán với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng. Cũng do vậy mà vài khách hàng lớn của Công ty đã chuyển đơn hàng qua Trung Quốc.

Được biết, AICO, một doanh nghiệp Mỹ chuyên nhập khẩu hàng nội thất Việt Nam đã chuyển sang nhập hàng Trung Quốc. Doanh nghiệp này từng rời bỏ Đại lục và bây giờ quay trở lại thị trường này khi nguồn cung của các doanh nghiệp Việt Nam bị đứt gẫy vì dịch bệnh.

Nửa đầu năm nay, giai đoạn thuận lợi của hoạt động chế biến và xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp gỗ báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Báo cáo soát xét bán niên của Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành (mã GDT) cho biết, nửa đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 215,776 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37,2 tỷ đồng, tăng trưởng 25% về doanh thu và 23% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin từ GDT, tính đến đầu tháng 7/2021, Công ty đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với tổng giá trị hơn 14,5 triệu USD, hoàn thành 86% kế hoạch nhận đơn hàng cả năm 2021.

Trong khi đó, TTF báo lợi nhuận sau thuế quý II đạt 43 tỷ đồng, bù lỗ cho quý I, luỹ kế 6 tháng lãi 3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Gỗ Thuận An (mã GTA) báo lãi 6 tháng đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã VIF) báo lãi hơn 196 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái…

Tuy vậy, kết quả kinh doanh quý III và quý IV sẽ phản ánh rõ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Tổng giám đốc Gỗ Long Việt cho biết, dòng tiền kinh doanh sẽ là một bài toán lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Các doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để làm vốn lưu động hoặc để đầu tư sản xuất. Nếu thời điểm đáo hạn rơi vào tháng 8 đến tháng 12 mà doanh nghiệp không có dòng tiền để đáo hạn, các khoản nợ sẽ bị chuyển nhóm (thành nhóm 2, nhóm 3). Khi ấy, các doanh nghiệp sẽ phải chịu lãi suất vay cao hơn, bị giảm hạn mức vay.

“Chúng tôi đang kỳ vọng sau quý III, doanh nghiệp phục hồi công suất về khoảng 80 - 90% so với 6 tháng đầu năm. Khi được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc, người lao động trở lại hoạt động. Chúng tôi trông chờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như các định chế tài chính có cơ chế hỗ trợ giãn nợ cho doanh nghiệp, nâng nhóm nợ và vẫn cho vay trở lại”, ông Việt bày tỏ.

Trước đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, TTF từng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2021 tăng trưởng mạnh, với chỉ tiêu doanh thu 2.025 tỷ đồng, lãi trước thuế 59 tỷ đồng, tăng lần lượt 67% và 220% so với mức thực hiện năm trước.

Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, ông Tín cho biết, kế hoạch kinh doanh này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, “nhưng mức độ ảnh hưởng ra sao Công ty chưa thể xác định được”.

“Chúng tôi đang cố gắng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trong trường hợp được mở cửa hoạt động bình thường trở lại vào ngày 15/9 tới có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh”, Chủ tịch TTF chia sẻ.

Trở lại hoạt động bình thường đang là mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này, trong đó có các doanh nghiệp ngành gỗ.

Tin bài liên quan